Bộ Xây dựng cho ý kiến đối với Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bến Tranh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đến năm 2045

Thứ sáu, 29/11/2024 17:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 6689/UBND-KT ngày 22/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (UBND tỉnh Tiền Giang) đề nghị cho ý kiến đối với Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bến Tranh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đến năm 2045.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có công văn 6573/BXD-QHKT có ý kiến như sau:

1. Về căn cứ, cơ sở pháp lý và việc tổ chức lập quy hoạch

Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bến Tranh được UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo, nghiên cứu lập quy hoạch chung đô thị trên phạm vi toàn bộ địa giới hành chính xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn đô thị loại V là phù hợp với Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính Phủ (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc 2021-2030 tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, đô thị Bến Tranh, huyện Chợ Gạo được dự kiến phát triển, công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Do đó, việc xác định mục tiêu quy hoạch và lựa chọn, áp dụng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật trong Đồ án quy hoạch là có cơ sở.

Đồ án quy hoạch được lập trên cơ sở Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bến Tranh, huyện Chợ Gạo được phê duyệt tại Quyết định số 2387/QĐ-UBND ngày 16/10/2023 của UBND tỉnh Tiền Giang. Nội dung Đồ án đã được tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến Đồ án quy hoạch là phù hợp theo quy định pháp luật.

2. Về nội dung đồ án quy hoạch

a) Các nội dung Đồ án đã đạt được:

- Đồ án đã đưa ra nhận định chung về thực trạng công tác quản lý, những bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện theo quy hoạch về phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, Đồ án cũng đã đặt ra những nội dung mới về tiềm năng, động lực phát triển trong giai đoạn hiện nay của đô thị Bến Tranh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

- Về cơ bản, nội dung Đồ án đã đề xuất, xác định được cơ cấu tổ chức không gian, định hướng phát triển đô thị, các giải pháp tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị Bến Tranh; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu theo mục tiêu, định hướng phát triển đô thị trong tương lai.

b. Một số nội dung cần rà soát, nghiên cứu bổ sung:

- Về hiện trạng: Đồ án nêu hiện trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp năm 2024 là 880,05 ha. Tuy nhiên, theo quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trong Đồ án là 669,82ha (theo phương án chọn). Đề nghị rà soát, làm rõ, bảo đảm thống nhất về nội dung này trên cơ sở độ tin cậy, chính xác của các nguồn tài liệu, số liệu. Đồng thời, nội dung Đồ án cần đánh giá cụ thể, rõ về thực trạng tình hình các dự án đầu tư đã đầy đủ cơ sở pháp lý về thủ tục đầu tư theo quy định, đang triển khai hoặc chuẩn bị thực hiện; từ đó, có giải pháp xử lý phù hợp, khả thi. Bổ sung nội dung đánh giá đất xây dựng theo điều kiện tự nhiên, làm cơ sở cho việc xác định các khu vực thuận lợi xây dựng.

Đề nghị luận cứ, làm rõ việc đề xuất chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị (bao gồm mật độ xây dựng gộp, hệ số sử dụng đất, chiều cao xây dựng tối đa, tối thiểu của công trình) cho từng khu vực phát triển đô thị.

 - Về định hướng phát triển không gian: Định hướng phát triển không gian được đề xuất kết hợp phát triển 2 cực và phát triển dọc theo các tuyến giao thông đối nội, đối ngoại; là đô thị trung tâm khu vực Tây Bắc, là đầu mối giao thông của các xã phía Bắc huyện Chợ Gạo và phía Bắc thành phố Mỹ Tho (theo phương án chọn). Tuy nhiên, các định hướng này cần được làm rõ trong nội dung tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đề nghị rà soát bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và mối quan hệ giữa mô hình phát triển và định hướng phát triển không gian đô thị Bến Tranh trong nội dung đồ án.

Thuyết minh Đồ án nêu về các khu vực bảo tồn, khu vực đặc thù. Vì vậy đề nghị làm rõ, bổ sung phạm vi các khu vực này và đề xuất nguyên tắc quản lý phát triển theo quy định, tránh tình trạng xâm phạm, lấn chiếm đất đai và thực hiện các dự án đầu tư trong khu vực di tích.

Cần bổ sung nghiên cứu, đề xuất cụ thể trên cơ sở các quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh tại Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 05/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018, số 950/QĐ ngày 01/8/2018, số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Về thiết kế đô thị: Rà soát hoàn thiện, bổ sung nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quy hoạch đô thị và quy định cụ thể tại các Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013, số 16/2013/TT-BXD ngày 16/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị.

- Về định hướng hạ tầng kỹ thuật: Đề nghị bổ sung phân tích, đề xuất phương án quy hoạch mạng lưới đường cụ thể như: Sơ đồ mạng lưới đường, phân cấp mạng lưới đường, quy mô mặt cắt tương ứng, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của phương án quy hoạch đạt được theo các Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng và QCVN 07:2016/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật

Xác định các lưu vực thoát nước chính, khu vực cấm, khu vực hạn chế xây dựng và đề xuất, lựa chọn phương án quy hoạch cao độ nền xây dựng phù hợp. Rà soát tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt trong đồ án phù hợp với tiêu chí đô thị loại V; xác định rõ nguồn nước (số lượng, vị trí, khả năng cung cấp nước, hành lang bảo vệ, . . .), bổ sung nội dung tính toán thủy lực để xác định các thông số thiết kế mạng lưới cấp nước đô thị.

Rà soát nội dung phương án, giải pháp cấp nước bảo đảm yêu cầu phòng cháy chữa cháy trong đồ án quy hoạch theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

- Về bảo vệ môi trường: Các nội dung định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị Bến Tranh khi nghiên cứu cần tính toán đến tác động của tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đưa ra giải pháp quy hoạch phù hợp. Nghiên cứu lồng ghép phòng chống thiên tai trong giải pháp quy hoạch đô thị đối với vấn đề ngập lụt, đề xuất giải pháp giảm thiểu, khắc phục.

Xác định rõ nhu cầu an táng, vị trí quy mô nghĩa trang (nếu có), khoảng cách ly vệ sinh của nghĩa trang. Bổ sung vị trí, quy mô trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn, công trình phụ trợ, khoảng cách ly vệ sinh của cơ sở xử lý chất thải rắn.

- Về hồ sơ, bản vẽ của đồ án: Bổ sung Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch được duyệt; rà soát hệ thống bản vẽ theo Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn. 

Một số ý kiến khác:

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề nghị nghiên cứu nội dung Nghị quyết để đảm bảo vào Quy hoạch chung Đô thị Bến Tranh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang phù hợp với định hướng của Nghị quyết.

UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các số liệu hiện trạng sử dụng đất và các dự án. Công tác rà soát các quy hoạch đã phê duyệt tại Đô thị Bến Tranh bảo đảm đúng quy định; không hợp thức hóa sai phạm (nếu có) trong nội dung quy hoạch lần này.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 6573/BXD-QHKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)