1. Để có cơ sở phê duyệt Đồ án trên, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, tiếp thu giải trình đầy đủ các nội dung góp ý của các Sở, Ngành có liên quan và các ý kiến cộng đồng dân cư; chịu trách nhiệm rà soát, đảm bảo các số liệu đo đạc liên quan đến đất lúa, đất rừng và đất dân cư hiện trạng; đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về: Bảo vệ rừng, môi trường, đất đai, nhà ở, xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật khác có liên quan; khi thực hiện lập quy hoạch phải đảm bảo không gây thất thoát lãng phí, tính toán đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ cảnh quan môi trường và đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, phát triển hài hòa, giữ gìn cảnh quan môi trường, đáp ứng về an ninh - quốc phòng.
Nội dung bản vẽ phải đảm bảo tuân thủ theo Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
2. Theo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 xác định thành lập đô thị Mường Vó, huyện Lạc Sơn đạt tiêu chí đô thị loại V giai đoạn 2026-2030; do đó, việc lập Quy hoạch chung đô thị Mường Vó làm cơ sở phát triển, hướng tới đô thị loại V là có cơ sở.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và khoản 7 Điều 29 Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, việc UBND tỉnh Hòa Bình lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là phù hợp với quy định hiện hành. Bộ Xây dựng cơ bản thống nhất một số nội dung về lý do và sự cần thiết phải lập quy hoạch, tính chất, mô hình cấu trúc không gian của Quy hoạch chung đô thị Mường Vó, phù hợp với điều kiện tự nhiên, bảo tồn cảnh quan không gian phát triển đô thị gắn với phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Lạc Sơn.
3. Để có cơ sở phê duyệt, đề nghị bổ sung và làm rõ một số nội dung sau:
- Về thời hạn quy hoạch: căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, thời hạn lập quy hoạch đối với đô thị mới là từ 20 đến 25 năm; do đó, thời hạn quy hoạch của Đô án cần có sự điều chỉnh để đảm bảo tuân thủ theo quy định hiện hành.
- Đối với phần đánh giá hiện trạng:
+ Rà soát lại số liệu và bản đồ hiện trạng sử dụng đất (liên quan đến đất dân cư hiện trạng), không đưa các khu vực đất trồng mầu và đất lâm nghiệp vào thống kê đất đơn vị ở; việc thống kê diện tích đất đơn vị ở phải căn cứ trên hệ thống bản đồ và số liệu do ngành tài nguyên môi trường cung cấp, cập nhật tại thời điểm lập quy hoạch; không hợp thức hóa các khu vực lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích.
+ Bổ sung đánh giá thực trạng phát triển dân số xã Nhân Nghĩa cũng như của huyện Lạc Sơn (thống kê 05 năm gần nhất); phân tích, đánh giá các giá trị cảnh quan, bản sắc văn hóa đặc thù (khu vực dự kiến phát triển dịch vụ du lịch); xác định ranh giới, quy mô các khu vực cần bảo tồn, tôn tạo, cấm xây dựng.
+ Việc đánh giá hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật cần bổ sung số liệu, làm rõ những bật cập, so sánh với các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại V. Bổ sung đánh giá năng lực, phạm vi phục vụ của hệ thống cấp nước sạch hiện hữu và tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; thực trạng thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, hiện trạng đất nghĩa trang trên địa bàn đô thị Mường Vó.
+ Về đánh giá, rà soát các quy hoạch và dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn (cần làm rõ sự phù hợp hay không phù hợp với các quy hoạch chung xã Nhân Nghĩa); trên cơ sở đó xác định các vấn đề phải giải quyết, để đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, chiến lược phát triển của đô thị tỉnh Hòa Bình, cũng như của huyện Lạc Sơn trong giai đoạn tới.
- Phần mục tiêu, tính chất và động lực phát triển đô thị:
+ Đề nghị làm rõ các định hướng của các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh Hòa Bình liên quan đến đô thị Mường Vó; đặc biệt cần làm rõ các động lực phát triển đô thị; bổ sung nội dung nghiên cứu về mô hình, cấu trúc phát triển không gian đô thị Mường Vó.
+ Việc xác định mục tiêu xây dựng đô thị Mường Vó đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào năm 2030, thuyết minh Đồ án cần phân tích động lực, luận cứ cơ sở hình thành đô thị Mường Vó (tiềm năng phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, cơ sở nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị từng giai đoạn ...). Với các yếu tố đặc thù của xã Nhân Nghĩa (là khu vực miền núi, chưa có vị trí vai trò kết nối vùng, mật độ dân số thấp, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, các chỉ tiêu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật còn yếu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế..); do đó việc tiếp cận toàn bộ xã Nhân Nghĩa theo mô hình đô thị (giai đoạn 2026-2030) đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình cần xem xét lại để phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với nguồn lực đầu tư phát triển đô thị; hạn chế các tác động ảnh hưởng tới bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.
- Về dự báo về quy mô dân số và đất đai từng giai đoạn cần có sự điều chỉnh theo các giai đoạn 2035 và 2045 để phù hợp với thời hạn quy hoạch theo quy định. Việc đề xuất dự báo tỷ lệ tăng dân số cho từng giai đoạn trong Đồ án từ 3,3% - 4,65% là không có cơ sở; việc dự báo tỷ lệ tăng dân số của đô thị cần có luận cứ dựa trên cơ sở khoa học, động lực của đô thị; vì vậy, việc dự báo quy mô dân số và nhu cầu sử dụng đất của Đồ án cần có sự điều chỉnh giảm để phù hợp với điều kiện phát triển của xã Nhân Nghĩa và của huyện Lạc Sơn.
- Về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật: Đề nghị bổ sung các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án sau khi đề xuất các giải pháp quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu đất dân dụng theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD.
- Về định hướng phát triển không gian: Bổ sung các nguyên tắc, định hướng cụ thể (dự báo dân số, đất đai, các chỉ tiêu sử dụng đất, yêu cầu về kiểm soát kiến trúc cảnh quan) đối với từng phân khu chức năng, các khu vực đô thị hiện hữu, các vùng cảnh quan, sinh thái gắn với các khu vực phát triển đô thị và nông thôn. Khu vực dân cư nông thôn đô thị hóa cần hạn chế tách thửa, chuyển đổi nông nghiệp; có yêu cầu về kiểm soát kiến trúc gắn với bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, vùng sản xuất.
- Đối với quy hoạch sử dụng đất: rà soát bản vẽ với số liệu quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo phù hợp dự báo quy mô dân số sau khi điều chỉnh theo thời hạn của quy hoạch; đảm bảo phù hợp với nhu cầu, kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn đã được phê duyệt (lưu ý bổ sung sơ đồ phân đợt để đảm bảo tiết kiệm hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo từng giai đoạn); lưu ý không quy hoạch sử dụng đất xây dựng vào các khu vực đất an ninh, quốc phòng, đất rừng phòng hộ, khu vực đồi núi có địa hình dốc, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
+ Đối với quy hoạch giao thông: Làm rõ giải pháp quy hoạch, quy mô các tuyến giao thông đối ngoại (đặc biệt làm rõ các tuyến kết nối liên vùng huyện Lạc Sơn), xem xét lại giải pháp quy hoạch đường đô thị vào các khu vực chưa phát triển (khu vực đang dự kiến là đất nông nghiệp).
+ Đối với giải pháp san nền, thoát nước mưa: Làm rõ giải pháp liên kết vùng (tiêu thoát nước, phòng chống lũ); làm rõ lưu vực thoát nước đô thị với hệ thống thủy lợi; có giải pháp cụ thể đối với các khu vực phát triển đô thị.
+ Về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khác: Tính toán, xác định vị trí, quy mô, giải pháp thiết kế hệ thống và các công trình hạ tầng kỹ thuật: Trạm biến áp, trạm cấp nước, thu gom và trạm xử lý nước thải…; làm rõ các giải pháp kết nối đối với các khu vực hiện hữu, khu vực mới; bổ sung phần khối lượng tính toán và khái toán kinh tế các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.
- Nguồn lực phát triển đô thị: Bổ sung danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; làm rõ về nhu cầu vốn, nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính khả thi (đặc biệt là các công trình dịch vụ công cộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đạt theo tiêu chuẩn đô thị loại V).
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 6417/BXD-QHKT.