Thực hiện các Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, số 853/QĐ-TTg ngày 17/7/2023 và Văn bản số 716/TTg-QHĐP ngày 24/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đoàn công tác của các Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương. Ngày 04/10/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chủ trì Đoàn công tác làm việc định kỳ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương gửi đến Đoàn công tác:
“Theo Quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian còn lại 06 năm. Để huy động tối đa các nguồn lực, tập trung đầu tư đạt được mục tiêu này, Tỉnh đã chủ động ban hành Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030. Xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, cho phép tỉnh Bình Dương được sử dụng toàn bộ 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất và được giữ lại 100% nguồn vượt thu ngân sách Trung ương giao hàng năm để bổ sung nguồn lực đầu tư cho tỉnh.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ báo cáo UBTV Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy định tiêu chí số 3 về mật độ dân số tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 theo hướng không là tiêu chí bắt buộc để công nhận loại đô thị. Hiện nay, quy định tối thiểu đối với đô thị loại I phải có mật độ dân số toàn đô thị đạt 2.000 người/km2 và mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đạt 10.000 người/km2. Quy định này chưa thật sự phù hợp thực tiễn, vì với quy mô dân số và mật độ dân số vừa phải sẽ đáp ứng được khả năng thụ hưởng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị, từ đó nâng cao chất lượng sống của người dân.
Hiện nay quy mô dân số tỉnh Bình Dương gần 2,8 triệu người, theo quy hoạch tỉnh đến năm 2030 dự kiến dân số đạt 4 triệu người, mật độ dân số toàn đô thị đạt khoảng 1.500 người/km2 và mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng cũng chỉ đạt khoảng 4.100 người/km2, chưa đảm bảo được quy định như hiện nay.”
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 6500/BXD-PTĐT xin trả lời như sau:
(i) Đối với kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, cho phép tỉnh Bình Dương được sử dụng 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất và được giữ lại 100% nguồn vượt thu ngân sách Trung ương giao hàng năm để tỉnh tập trung đầu tư thực hiện thắng lợi mục tiêu vào năm 2030 tỉnh Bình Dương trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương: Kiến nghị này không thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, tuy nhiên Bộ Xây dựng ghi nhận và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách có liên quan (nếu có).
(ii) Đối với kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về tiêu chí số 3 về mật độ dân số tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị:
Mật độ dân số là một trong năm tiêu chí để đánh giá, phân loại đô thị. Tiêu chí này phản ánh đặc trưng của định cư đô thị, theo đó mật độ dân số là số dân tính bình quân trên một kilômét vuông diện tích lãnh thổ. Qua quá trình áp dụng các quy định phân loại đô thị từ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP, Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cần có sự điều chỉnh để quy định phân loại đô thị phù hợp hơn với đặc thù của các vùng miền, đồng thời đảm bảo định hướng nâng cao chất lượng đô thị. Theo đó, tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 đã quy định tiêu chí Mật độ dân số bao gồm 02 tiêu chuẩn là Mật độ dân số toàn đô thị và Mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, thị trấn. Trong khi tiêu chuẩn Mật độ dân số toàn đô thị để kiểm soát đô thị không quá dàn trải thì tiêu chuẩn thứ hai để kiểm soát mức độ tập trung dân cư tại khu vực nội thành, nội thị.
Để phù hợp với đặc điểm đô thị vẫn đang trong quá trình đô thị hóa, tiêu chuẩn mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị, thị trấn đã quy định chỉ tính đối với diện tích đất xây dựng đô thị, là diện tích đất dành để xây dựng các khu chức năng đô thị (gồm cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị), bao gồm đất xây dựng các công trình phục vụ các hoạt động dân dụng gồm: đất đơn vị ở hoặc đất ở tại đô thị, đất công trình dịch vụ - công cộng đô thị, đất cây xanh công cộng đô thị, đất hạ tầng kỹ thuật đô thị; và đất xây dựng công trình ngoài dân dụng gồm: đất xây dựng công trình công cộng, hành chính cấp trên, đặt trên địa bàn đô thị, khu công nghiệp, du lịch tập trung, công trình giao thông đối ngoại, đầu mối hạ tầng kỹ thuật và đất xây dựng các công trình khác. Đối với khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương, đất xây dựng đô thị chỉ tính toán trong khu vực dự kiến thành lập quận trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Các quy định này cơ bản phù hợp đặc thù của đô thị các vùng miền đồng thời cũng đảm bảo các đô thị phải cung cấp đầy đủ các tiện ích đô thị cho người dân đô thị đã được xác định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Đây là ngưỡng tối thiểu mà đô thị phải đáp ứng để đảm bảo điều kiện nâng loại đô thị.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 6500/BXD-PTĐT.