Phóng viên: Thưa TS. Phạm Gia Yên, ông có thể cho biết sự cần thiết ban hành Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP?
TS. Phạm Gia Yên: Nghị định số 121/2013/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP nằm trong kế hoạch triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, Hệ thống pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành Xây dựng hầu hết đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định mới.
Đặc biệt, trên thực tế phát sinh một số hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực xây dựng nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, một số hành vi vi phạm chưa được quy định cụ thể, thiếu tính khả thi.
Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành Xây dựng, gồm: Lĩnh vực hoạt động xây dựng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Lĩnh vực vật liệu xây dựng. Lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật. Lĩnh vực quản lý phát triển nhà và công sở.
Phóng viên: Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có những nội dung mới nào so với Nghị định số 23/2009/NĐ-CP thưa Tiến sĩ?
TS. Phạm Gia Yên: So với Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có một số nội dung mới quan trọng như sau:
Về mức phạt:
Trong lĩnh hoạt động xây dựng, mức phạt được nâng lên từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng. Nâng mức phạt từ 150 triệu đồng lên 300 triệu đồng đối với các lĩnh vực: Kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở. Đây là mức phạt tối đa đối với tổ chức. Đối với cá nhân, mức phạt bằng ½ mức phạt với tổ chức.
Một số hành vi có mức phạt cao hơn mức phạt quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, đặc biệt đối với các giai đoạn của hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể về đảm bảo chất lượng công trình xây dựng ngay từ giai đoạn đầu từ khâu khảo sát xây dựng, ví dụ:
Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP quy định phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đối với hành vi không phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng hoặc phương án bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng trước khi nhà thầu thực hiện khảo sát xây dựng.
Điểm a Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định hành vi tương tự nhưng mức phạt cao hơn, từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
Và một số hành vi khác cũng được quy định tương tự như vậy.
Bổ sung một số hành vi và biện pháp khắc phục hậu quả
So với Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2013/NĐ-CP bổ sung khoảng hơn 40 hành vi vi phạm mới. Trong đó, quy định cụ thể một số hành vi vi phạm của nhà thầu tư vấn thiết kế, ví dụ: Hành vi áp dụng định mức, chính sách sai, đưa một số nội dung không đúng quy định vào dự toán để nâng giá trị gói thầu gây thất thoát vốn đầu tư xây dựng. Đây là tình trạng phổ biến, lâu nay chưa được xử lý. Trong Nghị định 121/2013/NĐ-CP, những hành vi này ngoài việc bị xử phạt tiền còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc lập, phê duyệt lại dự toán kể cả trường hợp đã tổ chức đấu thầu.
Trong những hành vi vi phạm như xây dựng sai phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch chi tiết đô thị được duyệt, sai thiết kế đô thị được duyệt theo quy định của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP thì phải bị dỡ bỏ công trình vi phạm. Tuy nhiên, thực tế một số năm gần đây cho thấy, hầu hết các đô thị đều thiếu quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thiếu thiết kế đô thị, do vậy, việc cấp phép xây dựng chủ yếu dựa vào chủ quan của một cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền cấp phép. Vì vậy, hàng nghìn công trình xây dựng sai phép tồn tại từ nhiều năm nay không xử lý được, chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Lý do không xử lý được là do thiếu quy hoạch chi tiết, đây là cơ sở pháp lý gốc để cấp phép xây dựng. Mặt khác, xuất phát từ công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch của các địa phương còn còn lỏng lẻo, nhiều công trình còn được chính quyền cơ sở “Bao che” cho việc xây dựng, việc phá dỡ công trình vi phạm trong trường hợp này rất khó khăn và gây lãng phí tiền và tài sản của người dân.
Để khắc phục tình trạng này, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định tại Điều 13: “Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”.
Trước hết phải khẳng định, quy định này không phải để khuyến khích hành vi vi phạm trật tự xây dựng, cũng không phải phạt cho “Tồn tại”. Quy định này nhằm khắc phục những tồn tại lâu nay không xử lý được, đồng thời rất thực tế và hiệu quả trong ngăn ngừa vi phạm mới.
Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn đa phần sai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt ban đầu. Sai phạm chủ yếu là nâng thêm tầng, tăng diện tích đất xây dựng kinh doanh, thu hẹp diện tích xây dựng công trình hạ tầng xã hội như trường học, công viên, cây xanh…Những sai phạm này không thể phá dỡ và trên thực tế chưa dự án nào bị phá dỡ. Như vậy, duy nhất chủ đầu tư được hưởng lợi trong khi người dân tại đó và công trình lân cận phải chịu những thiệt hại về điều kiện sống. Quy định tại Nghị định số 121/2009/NĐ-CP buộc nộp lại 50% giá trị phần sai phép, sai thiết kế, quy hoạch được duyệt… nhằm khắc phục những thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Nếu trước đây, biện pháp này được quy định thì chắc chắn sẽ không có dự án nào dám tự nâng tầng để phục vụ mục đích kinh doanh.
Đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân, với quy định trên là hoàn toàn phù hợp tình hình thực tế trong điều kiện các đô thị còn thiếu quy hoạch chi tiết và cũng tạo điều kiện cho việc xử lý các công trình có vi phạm còn tồn tại và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân có yêu cầu được cấp các loại giấy tờ về sở hữu nhà ở lâu nay.
Phóng viên: Thẩm quyền xử phạt có gì mới so với trước thưa Tiến sĩ?
TS. Phạm Gia Yên: Thẩm quyền xử phạt hiện nay được tăng lên so với Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, ví dụ: Chủ tịch UBND cấp xã trước đây được phạt tối đa đến 2 triệu đồng, theo quy định của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã được phạt tối đa đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức.
Bên cạnh đó, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP còn bổ sung thẩm quyền xử phạt của trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở được phạt tối đa đến 100 triệu đồng đối với tổ chức; trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ được phạt tối đa đến 500 triệu đồng (trong lĩnh vực hoạt động xây dựng), đến 210 triệu đồng (trong các lĩnh vực: Kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở) đối với tổ chức.
Việc tăng thẩm quyền xử phạt cũng như bổ sung thẩm quyền xử phạt là phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhằm đảm bảo phù hợp với việc tăng mức phạt đối với từng hành vi vi phạm trong tình hình thực tế hiện nay.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, với những quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP liệu có hạn chế được những thất thoát, lãng phí trong hoạt động xây dựng không?
TS. Phạm Gia Yên: Những quy định của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP cơ bản hạn chế được những hành vi vi phạm các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, giảm thiểu những thất thoát, lãng phí vốn nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, những lãng phí, thất thoát lớn nhất trong đầu tư xây dựng lại chưa được quy định tại Nghị định này, ví dụ: việc quyết định đầu tư xây dựng công trình của người có thẩm quyền; việc thẩm định, phê duyệt dự toán công trình đối với nguồn vốn nhà nước; việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng… Đây là những hành vi gây lãng phí, thất thoát lớn trong hoạt động đầu tư xây dựng nhưng lại chưa được quy định xử phạt hành chính.
Phóng viên: Xin Tiến sĩ cho biết theo quy định thì Nghị định 121/2013/NĐ-CP cần có Thông tư hướng dẫn, vậy thời điểm này Thông tư đã được ban hành chưa?
TS. Phạm Gia Yên: Hiện nay Dự thảo Thông tư đã được lấy ý kiến góp ý của các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan. Chúng tôi đang tổng hợp các ý kiến góp ý, tiếp thu, chỉnh sửa, trình Bộ trưởng. Dự kiến Thông tư được ban hành trong tháng 12/2013.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ.
Theo : Báo Xây dựng điện tử