Có ý kiến cho rằng “đội ngũ Thanh tra xây dựng tuy đông nhưng không mạnh”, xin cho biết quan điểm của ông về nhận định này ?
TS. Phạm Gia Yên: Tôi cho rằng đánh giá như vậy không hoàn toàn đúng và hơi phiến diện. Lực lượng Thanh tra xây dựng toàn quốc hiện nay khoảng 5.000 người, trong đó gồm Thanh tra Bộ và Thanh tra các Sở Xây dựng. Đối với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội còn có lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường.
Nhìn chung, cán bộ làm công tác Thanh tra xây dựng cơ bản được đào tạo đúng ngành nghề, có kinh nghiệm công tác hàng chục năm, nghiệp vụ tương đối vững vàng và đã làm được nhiều việc trong những năm gần đây (từ năm 2006, khi Nghị định 46/NĐ-CP ban hành).
Tuy nhiên, đối với lực lượng thanh tra quận, huyện, xã, phường tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, do mới thành lập, việc tuyển chọn chưa thật bài bản. Mặc dù từ khi ra đời lực lượng này cũng đã làm được nhiều việc cho thành phố trong quản lý trật tự xây dựng. Song lực lượng này chưa làm hết nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành và cũng còn những điều mà xã hội và công luận chưa hài lòng. Vì vậy, bộ phận này cũng cần được tuyển chọn lại, đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ.
Sau khi Nghị định 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực thì hệ thống Thanh tra xây dựng chỉ còn hai cấp là Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều lực lượng cán bộ được điều chuyển, vậy xin ông cho biết họ sẽ đi đâu, làm gì?
TS. Phạm Gia Yên: Khi Nghị định 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, về cơ bản lực lượng Thanh tra xây dựng toàn quốc không xáo trộn nhiều, trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vì Nghị định 26 cũng cơ bản kế thừa Nghị định 46/NĐ-CP trước đó về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành xây dựng. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo Quyết định 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập thanh tra xã, phường, quận, huyện.
Nhưng Nghị định 26 hiện nay cũng không quy định không có lực lượng thanh tra xã, phường, quận, huyện. Trên thực tế nhu cầu công việc thì Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần có lực lượng này, chỉ có điều về bộ máy điều hành có sự thay đổi; tổ chức thế nào cho có hiệu quả còn phụ thuộc vào cách sắp xếp của hai thành phố.
Nói như vậy để khẳng định rằng, nếu có dôi dư thì chỉ dôi dư những người không đủ tiêu chuẩn, số còn lại vẫn hoạt động bình thường, còn những người đó đi đâu, làm gì thì khó trả lời cụ thể, nhưng chắc chắn họ sẽ làm công việc phù hợp với năng lực và trình độ của mình.
Vậy nếu cơ cấu lại thì lực lượng Thanh tra xây dựng sẽ còn khoảng bao nhiêu người, thưa ông?
TS. Phạm Gia Yên: Theo thống kê đến thời điểm 30/12/2012, lực lượng Thanh tra xây dựng toàn quốc có khoảng 5.000 người, nếu cơ cấu lại còn bao nhiêu thì chưa thể nói cụ thể. Tuy vậy, chắc chắn là khi rà soát lại tiêu chuẩn từng người theo quy định thì lực lượng thanh tra quận, huyện, xã, phường sẽ giảm đi rất nhiều do không đủ tiêu chuẩn.
Vấn đề cần lực lượng bao nhiêu là hợp lý phải xuất phát từ nhu cầu quản lý của từng địa phương, từng thời điểm cụ thể, từ đó các Sở Xây dựng lập đề án trình UBND tỉnh phê duyệt. Vì vậy lực lượng thanh tra luôn biến động theo yêu cầu công việc và thời gian.
Để “tái cơ cấu” có hiệu quả, Bộ Xây dựng đã chuẩn bị những gì cho việc thực thi Nghị định này?
TS. Phạm Gia Yên: Còn khoảng 15 ngày nữa là Nghị định 26/2013/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ Xây dựng đang soạn thảo dự thảo Thông tư hướng dẫn về tổ chức bộ máy lực lượng Thanh tra xây dựng.
Hiện Thông tư đang được lấy ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Chắc chắn bước đầu sẽ có khó khăn bởi những quy định của Luật Thanh tra có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, Thông tư cũng sẽ quy định trong khi UBND cấp tỉnh chưa phê duyệt đề án về tổ chức lực lượng thanh tra trên địa bàn thì việc tổ chức và hoạt động của lực lượng này vẫn hoạt động bình thường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo : chinhphu.vn