Dấu ấn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông

Thứ năm, 21/12/2023 16:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hợp với lòng dân và trở thành phong trào rộng khắp trên toàn quốc nói chung, Đắk Nông nói riêng. Chương trình đã tạo được động lực mạnh mẽ, tập hợp được sự đoàn kết của mọi tầng lớp trong xã hội, huy động được sức mạnh về tinh thần và vật chất nhằm xây dựng khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, nhất là khu vực đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Nhiều địa phương ở Đắk Nông có sự thay đổi bứt phá từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đắk Nông đã đạt được kết quả khá toàn diện, bộ máy chỉ đạo, quản lý thực hiện chương trình được thành lập đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn, bon và từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả; cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã tích cực, chủ động, sáng tạo hơn trong triển khai thực hiện.

Toàn tỉnh đã có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60%; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí/xã; thành phố Gia Nghĩa đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 2 huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Kết quả nổi bật ở hai huyện 30a Đắk Glong và Tuy Đức trong hơn 10 năm qua là thu nhập bình quân đầu người đều có xu hướng tăng, tỷ lệ hộ nghèo đều có xu hướng giảm theo hằng năm. Huyện Đắk Glong thu nhập tăng từ 7,5 triệu đồng/người năm 2010 lên 43,2 triệu đồng/người năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 62% năm 2010 xuống còn 13,44% năm 2023. Huyện Tuy Đức thu nhập tăng từ 12,7 triệu đồng/người năm 2010 lên 36 triệu đồng/người năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% năm 2010 xuống còn 18,78% năm 2023.

Toàn tỉnh đã có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60%; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí/xã.

Đối với 12 xã đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện 30a là Tuy Đức và Đắk Glong đến nay đều đạt trên 10 tiêu chí; trong đó xã Quảng Khê huyện Đắk Glong đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, là điều kiện căn bản, thiết yếu để góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; hơn 80% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa…

Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực, một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, bước đầu hình thành được vùng sản xuất quy mô tập trung; nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình hợp tác, liên kết hiệu quả theo chuỗi sản phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Mạng lưới y tế cơ sở đã được củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả của y tế cộng đồng, góp phần quan trọng phòng, chống bệnh lây nhiễm, cung cấp dịch vụ sức khỏe cho người dân vùng đặc biệt khó khăn; các địa phương bước đầu đã quan tâm đầu tư bảo tồn giá trị các di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số; phục hồi và phát triển các lễ hội truyền thống lành mạnh, các trò chơi dân gian; các hoạt động văn hóa cộng đồng, văn nghệ quần chúng được duy trì và thu hút được người dân tích cực tham gia.

Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn. Vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng được phát huy, nâng cao; khả năng tiếp cận pháp luật được tăng cường. Một số xã đã thực hiện hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ để đẩy mạnh công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Các tổ chức chính trị-xã hội cũng lựa chọn các tiêu chí phù hợp để vận động các hội viên thực hiện. Người dân ngày càng thay đổi rõ nét cả về nhận thức và hành động…

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong vùng đặc biệt khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn đạt thấp so với bình quân chung toàn tỉnh. Các tiêu chí đạt nhưng mới ở mức tối thiểu quy định của bộ tiêu chí nên chưa thực sự bền vững.

Sản xuất nông nghiệp của người dân còn hạn chế; mô hình sản xuất hiệu quả còn ít được nhân rộng; mô hình phát triển hợp tác xã làm cầu nối, kết nối cung cầu còn hạn chế; chương trình OCOP còn chưa được phổ biến tại một số địa bàn vùng sâu vùng xa; du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát và chưa thực sự bền vững.

Số hộ dân đã di cư tự do đến chưa được bố trí, sắp xếp vào nơi quy hoạch còn nhiều (khoảng 5.450 hộ/24.330 khẩu), nhiều hộ dân chưa được cấp sổ hộ khẩu và việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội còn hạn chế; Thu nhập của người dân vùng di cư tự do còn thấp, tỷ lệ nghèo còn cao. Người dân vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng bình quân diện tích đất ở, đất phục vụ sản xuất nông nghiệp thấp, đời sống văn hóa còn nghèo nàn. Một số dự án bố trí dân cư chưa sát với thực tế, hiệu quả chưa cao.

Giá trị văn hóa truyền thống ở một số địa phương chưa được chú trọng bảo tồn, phát huy; một số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các tệ nạn xã hội, ma túy, buôn người, truyền đạo trái phép vẫn tồn tại.

Người dân nhiều nơi tự phát chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhưng thiếu kỹ thuật canh tác nên khó ứng dụng khoa học công nghệ, chưa phát huy được các thế mạnh của địa phương, thiếu kết nối với doanh nghiệp và thị trường; công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức; chưa khai thác được các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế.

Một số xã năng lực của cán bộ, công chức còn hạn chế; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của ngân sách Nhà nước; chủ yếu mới quan tâm đến các dự án công trình cơ sở hạ tầng; vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn chưa thực sự được phát huy, nhất là vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội và người có uy tín trong cộng đồng để vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn khó khăn so với nhu cầu thực tế. Nguồn lực huy động từ cộng đồng và người dân còn rất hạn chế, thậm chí nhiều nơi không thể huy động được…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, để tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và bền vững hơn. Thời gian tới, Đắk nông tiếp tục quan tâm tổ chức triển khai quyết liệt đối với các địa phương đặc biệt khó khăn, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số để tăng tốc phát triển, rút ngắn khoảng cách so với các địa phương khác.

Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chung của chương trình trên toàn tỉnh; đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sẽ xây dựng ‘"Đề án đặc thù thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn và biên giới giai đoạn 2021-2025". Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ cho các địa phương đặc biệt khó khăn. Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn xã theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn khó khăn so với nhu cầu thực tế. Nguồn lực huy động từ cộng đồng và người dân còn rất hạn chế, thậm chí nhiều nơi không thể huy động được…

Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó: Hỗ trợ nhân rộng các mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả để phát huy, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương; quan tâm đến công tác đào tạo nghề, phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu tại địa phương, các sản phẩm đặc sản có lợi thế theo Chương trình OCOP để góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm.

Chú trọng đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp, xóa nhà tạm; xây dựng các mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình; tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; nhân rộng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trên địa bàn nông thôn gắn với củng cố quốc phòng và giữ vững, bảo vệ chủ quyền, biên giới của Tổ quốc.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ; chú trọng hơn nữa công tác luân chuyển, tăng cường, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị và đoàn thể xã hội, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng để hỗ trợ các xã, thôn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng Bộ tiêu chí xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và Bộ tiêu chí vườn mẫu-rẫy mẫu nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng xã nông thôn mới theo chiều sâu và bền vững hơn.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)