Tính đến thời điểm hiện nay, 100% các thôn đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023 trên địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã về đích.
Nhà Văn hóa tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Kim Cúc.
Theo Phó Chủ tịch huyện Việt Yên Thân Văn Thuần, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện Việt Yên đã có 29 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số thôn toàn huyện được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu lên 63 thôn trên tổng số 109 thôn, đạt tỉ lệ cao nhất tỉnh Bắc Giang.
Ngoài ra, toàn huyện có một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Quảng Minh) và 10 xã đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Ninh Sơn, Quảng Minh, Thượng Lan, Tự Lạn, Hương Mai, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quang Châu, Việt Tiến, Vân Trung.
Hết năm 2023, huyện Việt Yên phấn đấu có thêm 7 xã thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Tự Lạn, Việt Tiến, Thượng Lan, Quang Châu, Tăng Tiến, Ninh Sơn) và 1 xã nông thôn mới nâng cao (Minh Đức).
Những kết quả này có được là do trong thời gian qua, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Việt Yên đã chung sức, đồng lòng, quyết tâm và nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hệ thống chính quyền từ cấp huyện đến các cấp xã, thôn đã tăng cường chỉ đạo, ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện các tiêu chí; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức rõ nét, sâu sắc về ý nghĩa, kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới chính là vì dân và của dân. Vì vậy, bà con nhân dân các thôn, xóm đã cùng với chính quyền, cán bộ địa phương bắt tay xây dựng, "góp công, góp của" để đạt được hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, theo ông Thân Văn Thuần, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Việt Yên vẫn còn rất khiêm tốn. Tại một số địa phương, sự vào cuộc tham gia xây dựng nông thôn mới của nhân dân và các đoàn thể xã hội trên địa bàn chưa được tích cực và thường xuyên.
Để tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và khắc phục những hạn chế, khó khăn, trong những tháng cuối năm 2023, huyện Việt Yên sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện, Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển thôn.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác xây dựng nông thôn mới tại các xã được lựa chọn về đích giai đoạn 2023-2025; phấn đấu mỗi xã hoành thành 1-2 tiêu chí/năm, đến năm 2025 có 14 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả, mang tính dài hạn phù hợp với quy hoạch chung của huyện và tình hình thực tế của địa phương.
Phấn đấu có khoảng 70% xã có hợp tác xã, 90% xã có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; có ít nhất 90% xã cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa), tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được. Rà soát lại các hạng mục công trình đăng ký, xem xét điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm kế hoạch thực hiện những công trình cần thiết phải xây dựng, dễ làm, ít vốn làm trước, tránh lãng phí, gây nợ đọng, ảnh hưởng không tốt mục đích của chương trình.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu của chương trình; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo đối với cơ quan quản lý nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia và các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia.
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; tạo sự đồng thuận và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; làm tốt công tác nhân rộng các cách làm hay, các mô hình, kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới.
Rà soát lại quy hoạch về nông thôn mới và nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời nâng cấp hệ thống đường và kênh mương nội đồng (hướng tới bê tông hóa), gắn với phát triển nông nghiệp trong trung và dài hạn.