Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội hôm nay. (Ảnh MINH THÀNH)
Xã Bát Tràng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và năm 2020 đạt 19/19 tiêu chí, trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Gia Lâm. Người dân Bát Tràng rất tự hào về nghề gốm truyền thống đã có hàng trăm năm của mình.
Đến nay, gốm của nhiều doanh nghiệp và hộ dân nơi đây đã được công nhận là sản phẩm OCOP, nổi tiếng trong nước và quốc tế. Sự vươn mình của các sản phẩm truyền thống trong những năm qua đã kết nối Bát Tràng với cả nước và thế giới, tạo nên một thương hiệu nổi tiếng về nghề làm gốm. Chính sự giao thương, kết nối ấy đã làm cho gốm Bát Tràng đi xa hơn, đóng góp quan trọng vào thu nhập của người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội của làng nghề ngày càng phát triển.
Nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, hiệu quả, đến nay, diện mạo nông thôn của xã đã được thay đổi, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, cuộc sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Các tuyến đường làng, ngõ xóm trong xã đã được bê-tông hóa, hạ tầng thoát nước, môi trường được bảo đảm.
Về giáo dục, cả ba cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia; 100% số thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, 99,6% số hộ đạt gia đình văn hóa. Mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 70 triệu đồng, xã hiện không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 0,7%. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng được nâng lên.
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi chia sẻ, xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao đã ba năm.
Với việc hoàn thành các tiêu chí để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, lấy người dân, cộng đồng dân cư làm chủ thể theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng, Nhà nước và cán bộ đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ thực hiện thông qua việc ban hành, triển khai các chính sách.
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải bằng những việc làm thiết thực, hành động cụ thể, không phô trương, hình thức, lãng phí.
Lãnh đạo xã quán triệt tinh thần chỉ đạo của thành phố, huyện và nghị quyết của Đảng ủy xã đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chí thành lập phường; không ngừng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất, đặt lợi ích của người dân, của cộng đồng lên trước, nhằm tạo ra những thay đổi căn bản, bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững ở khu dân cư; không nóng vội vì thành tích, chủ quan, áp đặt, duy ý chí.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt khẳng định, trong thời gian qua, huyện Gia Lâm đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường theo kế hoạch.
Đến nay, cùng với Bát Tràng, huyện đã có thêm nhiều xã được thành phố công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 11 xã đang hoàn thiện xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Huyện đang tập trung thực hiện và cơ bản hoàn thành đề án xây dựng huyện trở thành quận để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Để góp phần đưa huyện nhà trở thành đơn vị được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi các xã phải nỗ lực chung tay phấn đấu, trong đó có Bát Tràng.
Hiện nay, xã đang tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ các hoạt động văn hóa, du lịch; đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ, xây dựng; chú trọng thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã.
Trên địa bàn xã hiện đang có hàng chục doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gốm sứ, đóng góp quan trọng cho ngân sách của địa phương, thu hút hàng nghìn công nhân, lao động, trong đó có con em của xã. Bát Tràng phấn đấu cuối năm 2023 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đạt kiểu mẫu về an ninh trật tự, du lịch và cơ bản đạt 16/16 tiêu chí lên phường theo quy định; nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đến hết năm 2023 đạt 75 triệu đồng/người.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg quy định về xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020, phải đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đây là những tiêu chí mới, khó khăn mới trong công tác xây dựng nông thôn mới buộc Bát Tràng phải vượt qua để cán đích thành công.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, xã Bát Tràng cũng đang tập trung triển khai mô hình thôn, làng thông minh.
Theo đó sẽ xây dựng Thôn 2 Bát Tràng trở thành thôn thông minh với mô hình cộng đồng ở đây sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững.
Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn với thành thị, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế-xã hội và môi trường của khu vực nông thôn. Thôn thông minh cần một thiết chế được số hóa có khả năng quản lý và vận hành các đối tượng trong đó để bảo đảm được sự phát triển của mình bằng các giá trị truyền thống kết hợp với công nghệ.
Xây dựng thôn, làng thông minh, đưa công nghệ số vào cuộc sống dựa trên ba trụ cột là: Chính quyền điện tử (chính quyền số)-xã hội số-kinh tế số. Đây là mục tiêu lớn và làng gốm truyền thống Bát Tràng đang quyết tâm hoàn thành trong thời gian sớm nhất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và thúc đẩy công tác quản lý xã hội theo xu hướng hội nhập và phát triển...