Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 50 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và hai huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở Bắc Ninh được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Bắc Ninh đã thật sự khởi sắc, đường làng ngõ xóm rộng rãi, phong quang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Huy động mọi nguồn lực đưa nông thôn mới về đích
Ngày 19/1/2022, huyện Yên Phong được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định và cấp bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đây là địa phương cuối cùng của tỉnh Bắc Ninh cán đích nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy Yên Phong Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhân dân huyện Yên Phong đã hiến tặng hàng trăm nghìn mét vuông đất, đóng góp hơn 30 nghìn ngày công lao động để làm đường bê-tông, sửa chữa, nâng cấp kênh mương nội đồng, xây dựng và sửa chữa trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn.
Trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Yên Phong đã huy động tổng số vốn thực hiện chương trình gần 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 850 tỷ đồng; ngân sách huyện gần 197 tỷ đồng; ngân sách các xã hơn 905 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ và nguồn vốn khác hơn 45 tỷ đồng. Nhờ vậy, kinh tế-xã hội của huyện ngày càng phát triển, hạ tầng nông thôn được tăng cường, bộ mặt nông thôn đổi mới, khang trang, hiện đại, xanh-sạch-đẹp hơn; quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Cũng giống như Yên Phong, các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh đã dồn mọi nguồn lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn Bắc Ninh đã huy động và bố trí đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới khoảng 13.323 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Trong đó, ngân sách địa phương chiếm 87,64%, tín dụng chiếm 11,53%, còn lại là các nguồn vốn khác. Tỉnh đã để lại toàn bộ tiền bán đấu giá đất cho các địa phương để xây dựng nông thôn mới, đồng thời, vận động các doanh nghiệp đang hoạt động trong tỉnh đóng góp tiền, công trình; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, đất đai, ngày công lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến hết năm 2022 sẽ có thêm sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao
Sau khi cán đích nông thôn mới, huyện Quế Võ đã bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quế Võ Nguyễn Bá Quân cho biết, tính đến tháng 2/2022, mức độ đạt bình quân các tiêu chí nông thôn mới nâng cao của các xã là 14,9 tiêu chí/xã. Để ưu tiên cho các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2022, huyện sẽ thực hiện các dự án về hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn trong quá trình phát triển sản xuất và công nghiệp hóa như: xây dựng các điểm tập kết, khu xử lý rác thải, từng bước hoàn thiện mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn.
Tại huyện Tiên Du, địa phương này đang thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao tại bốn xã được xác định là ngoại thị gồm: Cảnh Hưng, Tri Phương, Minh Đạo, Hiên Vân; các địa phương còn lại sẽ thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị. Tiên Du phấn đấu đến hết năm 2024, toàn bộ các xã thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao đều cán đích.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, thời gian tới Bắc Ninh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Lựa chọn nội dung nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp-an toàn. Tiếp tục khắc phục một số hạn chế như: cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, phát triển kinh tế chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp-nông thôn bước đầu được đổi mới nhưng chưa mạnh, kinh tế hộ còn nhỏ, kinh tế hợp tác chưa có chuyển biến rõ nét, hiệu quả còn thấp…