Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025: Có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Ảnh minh họa: AN)
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua với những việc làm thiết thực; góp phần hoàn thành đảm bảo tiến độ các tiêu chí đã đề ra trong chương trình tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp.
Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025: Có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Về nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân: Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn đạt 1,6 lần (tương đương 72,96 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 < 3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%.
UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Phong trào thi đua, tập trung tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục phát động, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện Phong trào thi đua trên địa bàn, trong đó chú trọng xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với từng đơn vị, địa bàn dân cư làm mục tiêu để tổ chức triển khai, đánh giá Phong trào thi đua; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, doanh nghiệp tỉnh để triển khai, thực hiện Phong trào thi đua.
Cùng với đó, huy động các tập thể, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tích cực tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hoá xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động củng cố và tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới; phấn đấu hoàn thành sớm hoặc đúng theo kế hoạch, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.