Cùng với xây dựng nông thôn mới, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, vừa giúp người dân nâng cao chất lượng môi trường sống, vừa đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Hướng dẫn cho nhân dân cách phân loại, xử lý rác tại xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa. (Ảnh: Ngọc Hưng).
Chiêm Hóa (Tuyên Quang) là một trong những huyện thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Nhận thấy lợi ích thiết thực của việc bảo vệ môi trường, thay vì vứt rác bừa bãi như trước đây, thì nay người dân đã thu gom, tiêu hủy bằng cách chôn lấp hoặc mang ra điểm tập kết. Cùng với đó, các xã, thị trấn đã tăng cường bố trí thùng đựng rác sinh hoạt ở khu dân cư, xây dựng bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại khu sản xuất. Nhiều tổ chức quần chúng như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cũng thường xuyên vận động hội viên, đoàn viên trồng hoa dọc các tuyến đường giao thông… Đặc biệt, huyện Chiêm Hóa đã thành lập được hơn 290 mô hình tự quản vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác, chống rác thải nhựa. Thông qua các tổ tự quản, người dân đã ý thức hơn việc giữ gìn vệ sinh môi trường, từng bước loại bỏ rác thải nhựa trong gia đình.
Tương tự, tại huyện Lâm Bình, chúng tôi nhận thấy rõ những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cách xây dựng và tổ chức cuộc sống của người dân nơi đây. Khung cảnh quen thuộc tại các xã, thị trấn ở Lâm Bình đó là đường ngõ sạch sẽ, hai bên đường trồng nhiều hoa, cây cảnh và thường xuyên được chăm sóc. Tại các khu dân cư, người dân đã chủ động thu gom rác thải sinh hoạt; chỉnh trang nhà cửa, tường rào cổng ngõ, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Chị Ma Thị Hương ở thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình chia sẻ: “Nhân dân trong thôn thường vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải sinh hoạt của gia đình tập kết đúng nơi quy định. Mọi người, mọi nhà đều đề cao trách nhiệm vì cuộc sống chung nên giờ đây, cảnh quan và môi trường của thôn xóm đã ngày một sạch đẹp hơn”.
Mô hình “Đường hoa nông thôn” tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình. (Ảnh: Phương Thảo).
Ghi nhận thực tế cho thấy, cùng với huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình, công tác bảo vệ môi trường đã được các huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, Ban Chỉ đạo xây dnựg nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn,… đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm giúp người dân thấy rõ được ý nghĩa, lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Tại các địa phương, những quy định về bảo vệ môi trường được đưa vào nội quy cơ quan; quy ước, hương ước của xóm, bản, góp phần tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí về số 17 (tiêu chí môi trường) trong xây dựng nông thôn mới.
Theo đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường”, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện nội dung cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày nước thế giới”, “Chống rác thải nhựa”,... thu hút đông đảo người dân tham gia. Với những hoạt động cụ thể trong bảo vệ môi trường, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 80% lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn và trên 95% lượng rác thải ở đô thị đã được thu gom, xử lý; hơn 90% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh,…
Tuy nhiên hiện nay, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn những tồn tại như: Một số địa phương còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường; việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân có nơi còn chưa thực sự thường xuyên, liên tục; rác sinh hoạt một số nơi vẫn chưa được thu gom triệt để; hạ tầng một số điểm tập kết rác thải chưa được hoàn thiện đảm bảo theo quy định; công tác chỉnh trang đường làng, ngõ xóm ở số ít xã, thị trấn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn…
Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương gắn bảo vệ môi trường với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Lồng ghép nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với thực hiện hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn./.