Vĩnh Phúc: Xây dựng nông thôn mới kiểm mẫu năm 2022 - Các xã đăng ký tăng tốc về đích

Thứ năm, 12/05/2022 14:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Có kinh nghiệm, có nền tảng hạ tầng, nhân dân đồng thuận, ủng hộ nên các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022 trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi trong triển khai xây dựng những vùng quê đáng sống mang bản sắc riêng.
 

Đại Tự là một trong 5 xã của huyện Yên Lạc đăng ký hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt mục tiêu đưa kinh tế - xã hội của địa phương tăng trưởng, đời sống nhân dân được nâng lên, môi trường xanh – sạch – đẹp, Đại Tự đã xây dựng kế hoạch phát triển nông thôn mới theo chiều sâu gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực đặc trưng theo chương trình OCOP và có ít nhất 3 thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Không chỉ hạ tầng mà đời sống người dân xã Đại Tự ngày càng được nâng cao nhờ xây dựng nông thôn mới

Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tự cho biết: Với quan điểm dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, xã Đại Tự đã gắn kết quả xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền từ xã đến thôn. Đồng thời huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội và ngân sách, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản, nhất là các công trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị canh tác, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch. Tăng cường công tác tuyên truyền để huy động sức dân cùng tham gia thực hiện các tiêu chí chưa đạt, nhất là nâng cấp các tuyến giao thông, xây dựng đường làng, ngõ, xóm xanh, sạch đẹp.

Theo bà Gấm, để hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm nay, Đại Tự sẽ tiếp tục hỗ trợ phân hữu cơ cho vùng sản xuất rau màu, hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, phấn đấu có 1 sản phẩm hàng hóa được đánh giá phân hạng theo Chương trình OCOP. Khuyến khích bà con mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng đàn lợn thêm 600 con, đàn gia cầm trên 1.000 con so với năm 2021. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cho trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia; cải tạo, nâng cấp 5,5 km đường giao thông; thành lập các tổ vệ sinh môi trường. Chỉ đạo các thôn tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh đường làng, ngõ, xóm ít nhất 2 lần/tháng; đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình “vườn sạch, nhà đẹp”, mô hình gia đình “5 không, 3 sạch”. Đặc biệt, ngoài 3 thôn chọn làm điểm, Đại Tự cũng chỉ đạo 10 thôn còn lại chủ động xây dựng kế hoạch giữ vững các tiêu chính, nội dung đã đạt và định hướng rõ thời gian hoàn thành nội dung các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu đạt chuẩn trước năm 2025.

Lộ trình thực hiện từng tiêu chí đã rõ ràng nhưng cái khó của Đại Tự hiện nay là việc huy động nguồn lực. Bởi, để hoàn nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao đúng hẹn, địa phương huy động trên 217 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh trên 96,7 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 85,3 tỷ đồng, ngân sách xã 29,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 5,9 tỷ đồng.

Tương tự như Đại Tự, 4 xã đăng ký hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022 của Yên Lạc là Đồng Cương, Văn Tiến, Bình Định, Trung Kiên cũng đang tập trung cao độ cho xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay, cả 4 xã này đều đạt 2 tiêu chí là phát triển sản xuất nông cao đời sống nhân dân, tiêu chí giáo dục và đào tạo. 3 tiêu chí: Hạ tầng kinh tế -xã hội, vệ sinh môi trường và hệ thống chính trị, hành chính còn từ 2-3 nội dung chưa đạt nhưng đây đều là các nội dung khó, cần nguồn vốn đầu tư lớn.

Có thuận lợi là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 nên Yên Lạc dễ dàng bắt nhịp và có những cách làm riêng để xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu mang lại hiệu quả ngay đầu năm. Trên cơ sở rà soát, huyện yêu cầu các xã xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện từng chỉ tiêu theo từng năm; tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ đến thành viên ban chỉ đạo từng xã, thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đặc biệt, với quan điểm xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, không chạy theo phong trào, không đốt cháy giai đoạn, huyện Yên Lạc xác định mục tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn theo châm 5 rõ: "Rõ người, rõ địa chỉ, rõ công việc, rõ thời gian và rõ hiệu quả".

Cũng quyết tâm tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn từ xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021-2025, huyện Sông Lô đăng ký có 9 xã và 10 thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, do xuất phát điểm là huyện miền núi, sản xuất nông nghiệp là chủ lực, công nghiệp, xây dựng chưa phát triển nên Sông Lô không có nhiều thuận lợi trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao như các địa phương khác.

Theo báo cáo của UBND huyện, qua rà soát, đến nay, 9 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 mới đạt 4 tiêu chí là điện, văn hóa, hành chính công, quốc phòng an ninh; các tiêu chí khó, cần nguồn vốn đầu tư lớn là: quy hoạch, giao thông, tổ chức sản xuất, hành chính công, môi trường đều chưa đạt.

Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao huyện Sông Lô đã chỉ đạo các xã tập trung khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận thống nhất trong dân trong duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo chỉ tiêu vùng đồng bằng Sông Hồng. Xây dựng kế hoạch, xác định rõ lộ trình thực hiện các tiêu chí theo Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022 chủ động rà soát, có kế hoạch thực hiện các tiêu chí ngay khi UBND tỉnh ban hành quy định đánh giá thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2022.

Qua trao đổi với ông Đào Tiến Trung, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu, phóng viên được biết, đầu tháng 5/2022, huyện Sông Lô mới có quyết định chính thức giao Hải Lựu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Dù thời gian của năm 2022 không còn dài nhưng Hải Lưu sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ này, bởi địa phương đã chủ động rà soát, phân tích kỹ từng tiêu chí; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể, thôn và tăng tốc thực hiện các nội dung từ đầu năm. Bên cạnh đó, Hải Lựu có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân khi có hệ thống sông Lô chảy qua, có nghề chế tác đá phát triển và thương mại, dịch vụ dần hình thành, phát triển nhờ lễ hội chọi trâu.

Nửa năm 2022 sắp đi qua, bên cạnh những thuận lợi, Vĩnh Phúc triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng có nhiều khó khăn. Do đó, để hoàn thành mục tiêu có từ 8 đến 10 xã nông thôn mới nâng cao, 53 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; các huyện Tam Dương, Tam Đảo hoàn thiệu tiêu chí nông thôn mới và hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định; huyện Sông Lô, Lập Thạch đủ các điều kiện, tiêu chí huyện nông thôn mới, tỉnh tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới. Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, quán triệt tinh thần “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Khuyến khích người dân chủ động, tích cực đóng góp nguồn lực tham gia xây dựng, đầu tư nâng cấp, bảo trì các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm thiểu sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp. Ưu tiên nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao theo chuẩn VietGap; nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: Vinhphuc.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)