Hơn 3.785km giao thông nông thôn được xây dựng mới. Ảnh: XĐ
Sau 10 năm triển khai thực hiện, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do đầu tư công thắt chặt, biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng thiên tai liên tiếp xảy ra như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển ngày càng dâng cao, lún sụp đất, ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.
Xuất phát điểm thấp với nhiều xã trắng tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo cao,… nhưng được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo tâm huyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của người dân. Phong trào thi đua “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thu hút sự quan tâm, động viên, cổ vũ của toàn xã hội đối với nông dân, nông thôn. Dân chủ ở cơ sở được nâng cao, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt, đã phát huy được nhiều cách làm sáng tạo góp phần huy động lực đóng góp thực hiện Chương trình. Chương trình xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã thực sự trở thành một phong trào rộng khắp, ý nghĩa, có tính nhân văn, đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu, thu hút được người dân và cộng đồng dân cư cùng tham gia thực hiện.
Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư cơ bản đồng bộ, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã có hơn 3.785 km lộ giao thông nông thôn được xây dựng mới, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Hơn 1.700 công trình thủy lợi để điều tiết nước phục vụ sản xuất. Lưới điện quốc gia, cơ sở vật chất trường học, trung tâm văn hoá, thể thao - học tập cộng đồng, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đạt chuẩn theo quy định tiêu chí.
Các tiêu chí giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet có cáp quang, mạng 3G, 4G đã được phủ sóng đến tất cả các xã đều đạt tỷ lệ khá cao.
Kinh tế tập thể đã có chuyển biến tích cực, với nòng cốt là mô hình hợp tác xã đã đóng góp khá quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, đổi mới trong tổ chức và hoạt động, phát triển cả về số lượng và chất lượng; trên địa bàn tỉnh hiện có 228 hợp tác xã với 4.560 thành viên. Cùng với việc tổ chức lại sản xuất ở khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn được đầu tư với việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, đặc sản chủ lực của nhiều địa phương đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giúp nâng cao giá trị.
Công tác tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp theo quy mô trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã được quan tâm; một số phương thức nhằm tập trung đất đai đã được thực hiện như: thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao, mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết trên địa bàn các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; đây là khung pháp lý để thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu phát triển ngành tôm Cà Mau thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn. Duy trì phổ cập giáo dục trung học cơ sở, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ đến trường hàng năm đều tăng. Trong đó có gần 60% trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện tốt, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đã thực hiện đào tạo nghề bằng nhiều hình thức đa dạng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 50%, lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân có bước phát triển tích cực, cơ sở vật chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh được đầu tư củng cố, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được kiểm soát tốt, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Các hoạt động văn hoá, thể thao quần chúng, các lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát triển; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; 87% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 53,7% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.
Vệ sinh môi trường nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, hơn 90% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh…
Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy chủ trương cả hệ thống chính trị tỉnh luôn giữ vững quan điểm về xây dựng NTM là phải đảm bảo thực chất, bền vững, không chạy theo thành tích. Qua đó, kết quả xây dựng NTM của tỉnh Cà Mau được Trung ương và các tỉnh, thành trong khu vực đánh giá khá cao; tuy có một số chỉ tiêu đạt thấp so Nghị quyết nhưng kết quả thực tế các xã có những bước tiến vững chắc và đổi mới.
Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình hình thành khá đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, năng lực hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc từ tỉnh đến cơ sở từng bước được nâng lên; công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục; nhiều cơ chế chính sách được ban hành ban hành đã tạo động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Chương trình.
Cuộc vận động “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phát động nhiều phong trào ý nghĩa, có sức lan tỏa, đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới./.