Bộ mặt nông thôn mới (NTM) đổi thay, đường làng ngõ xóm khang trang, rộng rãi, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên… là điều dễ nhận thấy ở các xã của huyện Thường Tín. Một NTM đã trở thành hiện thực, vừa hiện đại, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam thành phố Hà Nội. Có được kết quả này là sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân địa phương.
Diện mạo nông thôn huyện Thường Tín đổi thay nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới
Cốt lõi là sự hài lòng của người dân
Những tuyến đường rộng rãi, dài tít tắp như những tấm thảm lụa từ làng trên ngõ dưới ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) được kiên cố phẳng lỳ, sạch đẹp. Hai bên các tuyến đường cây xanh tươi tốt xem lẫn những vườn hoa bốn mùa khoe sắc. Ngay bên đường là cổng chào có dòng chữ “Du lịch Hồng Vân kính chào quý khách”. Đi sâu vào làng nghề cây cảnh, du lịch sinh thái Hồng Vân nhà cửa cao tầng mọc lên san sát, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đủ đầy, trù phú. Đây là thành quả trong xây dựng NTM của xã Hồng Vân thời gian qua. Niềm vui được nhân đôi, khi địa phương được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao và được UBND thành phố Hà Nội công nhận là một điểm du lịch sinh thái, làng nghề sinh vật cảnh. Từ đó, hằng năm, Hồng Vân đã đón hàng vạn lượt khách về tham quan trải nghiệm, doanh thu từ lĩnh vực này đã lên tới hàng tỷ đồng.
Văn Bình cũng là một trong những điển hình xây dựng NTM của huyện Thường Tín. Sau khi được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015, địa phương này lại tiếp tục thi đua nâng làm tốt hơn nhiệm vụ này với các chỉ tiêu cao hơn. Theo hướng đi này, địa phương đã tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người dân của xã đã đạt gần 64 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, hiện còn khoảng 0,25%. Xã Văn Bình đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Chủ tịch UBND xã Văn Bình Nguyễn Văn Oánh cho biết, 99,95% người dân xã Văn Bình hài lòng với kết quả xây dựng NTM nâng cao của địa phương.
Phong trào xây dựng NTM ở huyện Thường Tín có sức lan tỏa sâu rộng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho hay, toàn huyện đã có 28/28 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM và 9/9 tiêu chí huyện NTM được Hội đồng Thẩm định thành phố đánh giá đạt chuẩn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
“Trong xây dựng NTM, hầu hết người dân đều hài lòng với kết quả đạt được. Đây được xem là thành quả lớn nhất đối với sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thường Tín trong suốt chặng được qua. Người dân không chỉ hài lòng với kết quả cao trong tăng trưởng kinh tế cao, phát triển toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ mà những kết quả về văn hóa xã hội cũng được ghi nhận cao. Điều này thể hiện ở chỗ, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo tiếp tục được giữ vững và có bước phát triển toàn diện. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 73/88 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được chú trọng...”, ông Nguyễn Tiến Minh chia sẻ.
Gắn xây dựng NTM với phát triển đô thị
Trao đổi về tương lai xây dựng NTM của huyện trong tiến trình phát triển, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có báo cáo tiếp thu, giải trình về việc hoàn thiện hồ sơ và thực địa đề nghị xét, công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn NTM năm 2020. Đây không chỉ là sự ghi nhận những cố gắng nỗ lực để đạt được thành công lớn, mà còn là sự khích lệ, hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM của Thường Tín. Phát huy kết quả đạt được, Thường Tín đã đề ra các mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó, có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xây dựng xã Hồng Vân đạt NTM kiểu mẫu Thủ đô.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, huyện xác định rõ, trong xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, với phương châm “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nâng cao. “Cụ thể hóa mục tiêu này, trên cơ sở Nghị quyết của Đảng bộ huyện, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xây dựng NTM nâng cao gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử huyện Thường Tín giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu đến năm 2025, huyện Thường Tín xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa nhằm định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực”, ông Kiều Xuân Huy nói.
Được biết, gắn xây dựng NTM với phát triển đô thị, thời gian tới, huyện sẽ tập trung nguồn lực xã hội để đẩy mạnh xây dựng các đô thị trung tâm và khu dân cư tập trung, tạo điểm nhấn cho đô thị vệ sinh Phú Xuyên, S5, GS, GS (A). Cùng với đó, chú trọng xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng - làng nghề, tại việc làm tại chỗ và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn, làm tiền đề cho tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Huyện cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực nông nghiệp sạch, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế của địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định công nhận huyện Thường Tín (thành phố Hà Nội) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Thường Tín tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.