Xây dựng cơ sở hạ tầng được xem là yếu tố quan trọng nhất để cải tạo bộ mặt nông thôn, từ đó tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, các địa phương trong tỉnh chú trọng xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn; qua đó, góp phần làm bừng lên sức sống ở khắp vùng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 18 đi qua địa phận 5 thôn: Trại Dọc, Quảng Mản, Ninh Bình ở xã Bình Khê, TX Đông Triều.
Tuyến đường nối từ tỉnh lộ 186 với 5 thôn: Trại Dọc, Quảng Mản, Ninh Bình, Đồng Đò, Tây Sơn của xã Bình Khê, TX Đông Triều trước đây từng là con đường đất, bụi bặm vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa với nhiều không: Không điện chiếu sáng, không hệ thống mương thoát nước… Triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Bình Khê đã tập trung nguồn lực, tuyên truyền vận động người dân cùng đồng thuận, góp công, góp của để đầu tư làm mới tuyến đường này.
Đến nay, tuyến đường đã được mở rộng, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp với dọc hai bên đường là những bức tường bích họa và hàng cây, hoa rực rỡ sắc màu. Tuyến đường đã trở thành một trong những tuyến đường NTM kiểu mẫu đẹp nhất TX nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Ông Vũ Văn Xanh, thôn Quảng Mản, xã Bình Khê, TX Đông Triều cho biết: “Từ khi có con đường, người dân sống hai bên đường rất có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh đường. Cứ sáng sớm, chúng tôi lại rủ nhau ra quét dọn vệ sinh, tưới cây, tưới hoa. Tuyến đường này đã biến làng quê trở thành nơi đáng sống, giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân chúng tôi được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được gắn kết”.
Anh Vũ Xuân Đương, thôn Quảng Mản, xã Bình Khê, TX Đông Triều chăm sóc vườn trồng hoa ly.
Không chỉ các tuyến đường giao thông nông thôn, thời gian qua, xã Bình Khê cũng đã tập trung nguồn lực, huy động sức dân xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất. Hiện, toàn bộ vùng sản xuất tập trung trên địa bàn xã đều có đường bê tông kiên cố, hệ thống kênh mương nội đồng liên hoàn.
“Nhờ có hạ tầng sản xuất đồng bộ như bây giờ, nông dân chúng tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm. Hạ tầng sản xuất đồng bộ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương hàng hóa, giúp ổn định giá cả thị trường, tăng thu nhập cho người sản xuất” - Anh Vũ Xuân Đương, thôn Quảng Mản, xã Bình Khê chia sẻ.
Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là yếu tố tiên quyết giúp cải tạo bộ mặt nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã đặc biệt quan tâm huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn.
10 năm qua, tổng số nguồn lực huy động cho chương trình xây dựng NTM của Quảng Ninh đạt trên 165.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương đạt khoảng trên 6.600 tỷ đồng. Trong đó, chi cho xây dựng công trình hạ tầng nông thôn và hạ tầng trực tiếp cho các vùng sản xuất tập trung đạt trên 75%.
Cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp, ủng hộ trên 17.700 tỷ đồng. Hiến gần 240.000 ngày công lao động, trên 1,2 triệu m2 đất. Hiến vật tư, tường rào, rau màu theo quy đổi có giá trị trên 152 tỷ đồng.
Trên khắp mọi vùng quê ở Quảng Ninh hôm nay, nhiều km đường giao thông, kênh mương, nội đồng đã được xây dựng, tu bổ; nhiều tuyến đường quê được chiếu sáng, trồng cây xanh tạo cảnh quan. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, hiện đại cơ bản đáp ứng yêu cầu cho thực hiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Người dân xã Thống Nhất, TP Hạ Long tham gia xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất.
Cụ thể: Đến năm 2020, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn về công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Thực tế khẳng định, nhờ có hệ thống công trình hạ tầng NTM, diện mạo nông thôn Quảng Ninh đã hoàn toàn đổi mới, khang trang, sạch đẹp. Song, cùng với câu chuyện xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát huy hiệu quả công trình sau đầu tư.
Theo đó, các địa phương, nhất là cấp xã cần thiết phải có quy chế quản lý, sử dụng công trình; có kế hoạch bảo trì, duy tu, bảo dưỡng định kỳ và đặc biệt phải có sự vào cuộc tích cực của người dân trong việc tham gia thực hiện quản lý, sử dụng và duy tu, bảo dưỡng công trình để các công trình hạ tầng nông thôn phát huy triệt để công năng vốn có của nó, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của nhân dân.