Với xuất phát điểm thấp, là một xã thuần nông, nằm trọn trong vùng phân lũ nhưng qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cùng quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, đến nay xã Kim An huyện Thanh Oai đã trở thành điểm sáng và là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Lối vào Xã Kim An với nhiều cung đường trồng hoa, trải nhựa thẳng tắp. Ảnh: Thiện Tâm.
Về Kim An vào một sớm hè, qua dọc triền đê trải dài nắng tháng 7 và những con đường dát đầy hoa tím, xa xa là những ngôi nhà ngói mới, cao 2,3 tầng mọc đua nhau san sát. Những tiếng nói cười của các bà, các chị đi làm đồng sớm, tiếng máy khoan, máy xúc cải tạo, xây mới những công trình… Tất cả đều đang một nhịp đập hối hả mà bình yên đến lạ giữa một vùng quê trù phú, đang đổi thay từng ngày.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Phấn, Bí thư xã Kim An cho biết, trước kia xã Kim An nghèo lắm, chỉ là một xã hoàn toàn thuần nông, nằm trọn trong vùng phân lũ, không có chợ, không có các cơ quan doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Chính vì vậy, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 58%, ngành nghề dịch vụ chậm phát triển. Bước vào xây dựng nông thôn mới xã Kim An là một xã khó khăn nhất của huyện Thanh Oai, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,8%, có 1/19 tiêu chí đạt, 3 tiêu chí cơ bản đạt, 15 tiêu chí không đạt, nông nghiệp phát triển kém chủ yếu là trồng ngô, khoai sắn và cây rau màu với hiệu quả kinh tế không cao. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp chưa quy hoạch gọn vùng sản xuất, kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ như giao thông thủy lợi, trường học, y tế, cơ sở hạ tầng xuống cấp, môi trường ô nhiễm.
Nhưng sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, chương trình 07 của huyện Thanh Oai về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới,từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2010-2015; giai đoạn 2016-2020. Đảng ủy xã Kim An đã bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và huyện để ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới.
Trong xây dựng nông thôn mới có 5 nhóm và 19 tiêu chí, xã Kim An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, nhưng tập trung các tiêu chí mà người dân trực tiếp được hưởng lợi nhiều nhất vì người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Do đặc thù của xã là vùng đất bãi ven sông có lợi thế cho việc phát triển vùng cây ăn quả nên xã chọn khâu đột phá và mũi nhọn là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, từng bước tăng diện tích trồng cây ăn quả, giảm diện tích cây hoa màu, xóa bỏ diện tích trồng lúa. Theo đó, xã đã quy hoạch và chuyển đổi được 130/203,6 ha đất nông nghiệp trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như: Cam đường, bưởi diễn, ổi Đài Loan. Giá trị thu nhập từ cây ăn quả đạt bình quân từ 500 đến 600 triệu đồng/ha. Xã đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể Cam đường Kim An và đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số chuỗi cửa hàng nông sản sạch, siêu thị trên địa bàn và ngoài thành phố.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, được sự quan tâm của Thành phố và huyện, trụ sở làm việc, trường học và trạm y tế, nhà văn hóa, các di tích tâm linh được xây mới hoặc trùng tu nâng cấp cải tạo bảo đảm cho các hoạt động và sinh hoạt. Bên cạnh đó, xã có 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia, xã đạt chuẩn về y tế quốc gia, 3/3 làng và 5/5 cơ quan đơn vị văn hóa.
Năm 2017 Kim An đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,12 triệu đồng, năm 2019 đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,86%.
Tuy là một xã khó khăn, nguồn thu tại địa phương thấp, ngoài nguồn kinh phí đầu tư và hỗ trợ của thành phố và huyện, xã không có nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. BCĐ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền huy động nguồn vốn xã hội hóa của người dân để đầu tư vào các dự án, công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới. Điển hình nhân dân địa phương đã ủng hộ và đóng góp 18,5 tỷ đồng, trên 5 nghìn ngày công, nhân dân hiến hơn 300m2 đất thổ cư để mở rộng đường giao thông thôn xóm, xây kè chống sói lở bờ song Đáy và hơn 2.000m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nội đồng.
Với những kết quả đạt được, ông Trần Văn Phấn không giấu được niềm vui và khẳng định, chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội là một chủ trương đúng, sát và hợp với lòng dân, có hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Đồng thời xã sẽ phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.