Huyện Thạch Thất phấn đấu đạt huyện nông thôn mới

Thứ ba, 25/02/2020 14:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với 100% xã về đích nông thôn mới từ năm 2017 và huyện đạt bảy trong số chín tiêu chí, trong đó tiêu chí thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực ngoại thành Hà Nội, huyện Thạch Thất đang tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu được công nhận là huyện nông thôn mới trong năm nay.

Mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ðỗ Minh

Từ năm 2014, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn năm 2011 - 2015. Nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề mộc truyền thống. Ðến nay, trên địa bàn xã có khoảng 1.800 hộ dân, trên tổng số 3.000 hộ tham gia nghề mộc, thu hút hàng nghìn lao động tại địa phương và khu vực chung quanh đến làm việc, với mức thu nhập từ tám đến 10 triệu đồng/tháng. Nhiều gia đình trong xã vươn lên khá giả từ nghề mộc. Không dừng lại ở kết quả này, trong những năm qua, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Dị Nậu tiếp tục hoàn thành, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu năm 2022 trở thành xã NTM nâng cao. Theo đại diện UBND xã Dị Nậu, ngay trong năm 2020, xã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trường mầm non, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, hai nhà văn hóa thôn và chợ nông thôn. Ðể khắc phục tình trạng người dân sản xuất tại khu dân cư do thiếu mặt bằng sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, xã đang khẩn trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp làng nghề tập trung rộng 11 ha, tạo điều kiện cho các hộ dân mở rộng, phát triển sản xuất.

Cùng với Dị Nậu, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014, xã Hương Ngải cũng tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí còn thấp như tỷ lệ cứng hóa đường giao thông, hệ thống kênh, mương thủy lợi nội đồng. Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn và công tác bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Hương Ngải gắn phong trào xây dựng NTM với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài, phát huy truyền thống vùng đất giàu truyền thống văn hóa, thi cử; huy động xã hội hóa cải tạo, nâng cấp các đình, chùa, xây dựng cổng làng; tham gia gìn giữ vệ sinh môi trường nông thôn, được người dân đồng tình, hưởng ứng và mang lại hiệu quả tích cực. Diện mạo xã Hương Ngải ngày càng khang trang, sạch đẹp, trở thành xã kiểu mẫu về vệ sinh môi trường của huyện Thạch Thất.

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đổi thay tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các ngành nghề dịch vụ thương mại, nhất là nghề mộc truyền thống được tạo điều kiện thuận lợi phát triển, mang lại thu nhập khá cho người dân. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn xa khu dân cư ở các xã Yên Bình, Yên Trung, Tân Xã, Cần Kiệm; vùng trồng cây ăn quả hơn 700 ha ở các xã Kim Quan, Lại Thượng, Cẩm Yên; vùng trồng rau an toàn ở các xã Hương Ngải, Hạ Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu… Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới vào sản xuất được quan tâm. Trên địa bàn huyện cũng hình thành năm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sáu mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Từ năm 2017, toàn bộ 21 xã của huyện đã về đích nông thôn mới. Ðến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/người, mức cao nhất trong các huyện của Hà Nội. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,58%. Ðáng chú ý, chương trình xây dựng NTM được người dân đồng tình, ủng hộ hơn 700 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, văn hóa thể thao, đường giao thông ngõ xóm. Ðến nay, huyện Thạch Thất đạt bảy trong số chín tiêu chí huyện NTM, gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM; còn hai tiêu chí gồm y tế, văn hóa, giáo dục và tiêu chí môi trường chưa đạt. Huyện đặt mục tiêu trong năm nay hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới và có ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Mới đây, tại buổi làm việc của Ban chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao kết quả xây dựng NTM của huyện Thạch Thất. Ðồng thời, yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ huyện Thạch Thất trong việc đầu tư cơ sở vật chất để hoàn thiện hai tiêu chí chưa đạt. UBND huyện Thạch Thất tập trung hoàn thiện hồ sơ để trình Ban chỉ đạo trong quý II năm nay.

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư trường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy đề nghị huyện Thạch Thất cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng còn thiếu, sớm hoàn thành các tiêu chí của huyện NTM. Tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch xây dựng theo hướng đô thị, đồng bộ. Phát triển các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề để tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Ðồng thời động viên, huy động người dân, các đoàn thể chính trị, xã hội tham gia gìn giữ vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng sạch, đẹp.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)