Theo Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (MTQGNTM), giai đoạn 2021-2025 sẽ hướng mạnh tới xây dựng NTM theo hướng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị.
Cùng với đó là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ sẽ làm trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Từ năm 2021-2025, Chương trình MTQGNTM cũng đề ra chỉ tiêu cụ thể, cả nước có ít nhất 19 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (có phân theo vùng); cấp huyện có 50% đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (có phân theo vùng). Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; trong đó ít nhất 10% số huyện đạt NTM kiểu mẫu; cấp xã có 80-85% số xã đạt chuẩn NTM (có phân theo vùng)…
Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Với mục tiêu cụ thể này, chương trình MTQGNTM cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Theo đó, để phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, cần có cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững
Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng chương trình MTQGNTM cho rằng cần lấy thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu; cư dân nông thôn làm chủ thể; cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá; nâng cao năng lực sáng tạo và thúc đẩy ứng dụng KHCN là giải pháp căn bản và lâu dài để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và vững bền cho nông nghiệp và nông thôn
Xây dựng NTM cần gắn chặt với việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng; tạo đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn để phát huy lợi thế của nông nghiệp và tạo việc làm ổn định, bền vững cho cư dân nông thôn.
Phát triển nông thôn cần được triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững và tăng cường liên kết nông thôn - đô thị; gắn chặt với việc tăng cường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; đưa văn hóa thành động lực mới cho xây dựng NTM.
Mục tiêu, nội dung xây dựng NTM (thông qua Bộ tiêu chí NTM) cần bao trùm toàn bộ các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cần tiếp tục định lượng một cách hợp lý cả diện mạo, chất lượng, chiều rộng và chiều sâu của NTM trên cơ sở hoàn thiện Bộ tiêu chí NTM cấp xã, cấp huyện, cấp thôn; NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… Đồng thời cần cải tiến, hoàn thiện phương pháp đánh giá các chỉ tiêu NTM để đảm bảo khoa học và thực chất, nâng cao chất lượng xây dựng NTM, phát triển theo chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích; hướng mạnh hơn về cơ sở, phát huy mạnh hơn vai trò chủ thể và sự tham gia của người dân. Cùng với việc tiếp tục chọn xã là địa bàn cơ bản của xây dựng NTM…
Cùng với việc nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện bộ tiêu chí NTM, trong giai đoạn tới cần xác định rõ các loại hình NTM tiêu biểu để xây dựng thành các mô hình thực tế điển hình, có sức thuyết phục cao. Việc học tập các bài học kinh nghiệm từ mô hình thực tế luôn có tác dụng to lớn và thiết thực, tạo ra sức truyền cảm và lan toả sâu rộng tinh thần NTM các loại tài liệu chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn không thể có được.
Có thể phân loại các mô hình NTM tiêu biểu, mỗi loại hình sẽ có những biến thể đa dạng theo vùng miền, cụ thể: Mô hình NTM ven đô, đặc trưng cho quá trình đô thị hóa của nông thôn ven đô ở các vùng, miền, dựa trên đặc thù quy hoạch kiến trúc, cảnh quan nông thôn ven đô, quản lý xã hội phức tạp, bảo đảm an ninh trật tự của nông thôn ven đô, khai thác thế mạnh và vai trò của nông nghiệp ven đô, gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp và phát triển dịch vụ tổng hợp.
Mô hình NTM đặc trưng văn hóa truyền thống vùng miền dựa trên bản sắc văn hóa, cảnh quan đặc trưng nông thôn truyền thống ở các vùng, miền, dân tộc, gắn với phát triển du lịch nông thôn, trải nghiệm văn hóa dân tộc.
Mô hình NTM của các làng nghề truyền thống gắn chặt với phát triển OCOP, bền vững về văn hóa và môi trường (11 nhóm nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa), gắn với phát triển du lịch làng nghề, trải nghiệm làm nghề truyền thống.
Các mô hình NTM đặc trưng cho các lĩnh vực ngành nghề như: Mô hình NTM sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình NTM sản xuất hàng hóa quy mô lớn; mô hình NTM nghề cá ven biển; mô hình NTM nghề muối dựa trên nền tảng sản xuất muối nhân dân theo hướng sạch, an toàn và dinh dưỡng, gắn với du lịch nghề muối, trải nghiệm nghề muối; mô hình NTM nghề rừng tiêu biểu dựa trên nền tảng phát triển nghề rừng nhân dân, gắn với phát triển các cây dược liệu, du lịch nông thôn, trải nghiệm homestay, văn hóa bản địa;…
Theo Chinhphu.vn