Ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM, ngay từ đầu, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai cho các xã trên địa bàn huyện, trong đó chọn xây dựng xã Nghĩa Hương làm điểm. Năm 2013, xã Nghĩa Hương đạt chuẩn NTM; năm 2014 có 2 xã Phượng Cách, Phú Cát đạt chuẩn NTM; năm 2015 có thêm 7 xã: Ngọc Mỹ, Thạch Thán, Tân Hòa, Tân Phú, Ngọc Liệp, Sài Sơn, Cấn Hữu đạt chuẩn NTM; năm 2016 thêm 6 xã: Yên Sơn, Đại Thành, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Phú Mãn, Đông Xuân đạt chuẩn NTM và đến hết năm 2017 có 4 xã: Đồng Quang, Cộng Hòa, Hòa Thạch, Đông Yên đạt chuẩn NTM. Theo đó huyện đã hoàn thành 100% xã trước kế hoạch 2 năm.
Ngay sau khi 20/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 100%), Huyện ủy, Ban chỉ đạo Chương trình 02 của huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, UBND huyện đã có kế hoạch chi tiết và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, phòng, ban ngành của huyện rà soát, thực hiện 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM. Đồng thời lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên xem xét, thẩm định.
Kết quả thẩm định của Tổ công tác Thành phố cho thấy 9/9 tiêu chí mà huyện đạt chuẩn NTM đều đạt so với quy định của Trung ương tại Quyết định số 558/QĐ-TTg, ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Huyện Quốc Oai đã trình Hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018.
Huyện cũng đã phối hợp cùng UBMTTQ Thành phố tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân với 65% số hộ dân được lấy ý kiến; người dân đồng tình và hài lòng cao với tỷ lệ trên 96%.
Về các mặt chính trị, KTXH của huyện cho thấy hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, đầu mối tổ chức cơ sở Đảng được sắp xếp tinh gọn từ 53 cơ sở, đến nay còn 43 cơ sở (giảm 10 cơ sở). Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ và trong sạch vững mạnh hàng năm bình quân đạt 97,09%.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự ATXH trên địa bàn trong 10 năm luôn được giữ vững, ổn định. Các vụ việc kiến nghị, khiếu nại đông người, đơn thư của công dân đã được cấp ủy chính quyền giải quyết triệt để.
Thu nhập năm 2010 của huyện là 13,7 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 là 44 triệu đồng/người/năm. Việc xóa đói giảm nghèo cũng đạt nhiều kết quả tốt. Năm 2010, toàn huyện có 5.302 hộ nghèo, với tỷ lệ 12,94%, thì đến tháng 6/2019 toàn huyện chỉ còn 253 hộ chưa có khả năng thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 0,46% hộ dân trên địa bàn.
Năm 2010, huyện có 16 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 21,9%, đến năm 2019, huyện có 54/73 trường đạt chuẩn, đạt 73,97%.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng có nhiều phát triển, năm 2010 giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tăng từ 45 triệu đồng/ha lên 140 triệu đồng/ha vào năm 2019.
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện còn hạn chế, sản xuất theo hướng hàng hóa chưa có chuyển biến mạnh. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của nông dân, chưa có nhiều mô hình tiên tiến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp tuy đã có đổi mới song hiệu quả chưa cao.
Chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn thấp và chưa đáp ứng yêu cầu. Chi phí đầu tư vào nông nghiệp cao, dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng thu nhập của người dân.
Công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM có lúc, có việc còn hạn chế, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ từ nguồn ngân sách của nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy đánh giá cao những kết quả huyện Quốc Oai đã đạt được trong thời gian qua về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống nông dân.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, thời gian tới, huyện Quốc Oai cần đề ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch lao động; triển khai các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, phát triển thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Đồng thời tập trung phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại xa khu dân cư, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ; đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; bảo vệ và phát triểm rừng; khuyến khích các hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để tạo liên kết chuỗi; duy trì nhãn hiệu thương hiệu phát triển nông nghiệp.
Đặc biệt cần phát triển kinh tế nông nghiệp với phát triển du lịch trên địa bàn để phát triển kinh tế với nâng cao đời sống nông dân; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền gắn với phong trào đoàn kết xây dựng NTM gắn với văn minh đô thị.
Huyện cần phấn đấu từ nay đến năm 2020 có thêm 1-2 xã đạt NTM nâng cao và các năm tiếp theo mỗi năm có 1-2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo Hà Nội portal