Nỗ lực thực hiện tiêu chí
Trước khi triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai (trước năm 2011) cho thấy, để đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt giúp người dân vùng nông thôn có nước sử dụng hợp vệ sinh đã khó, còn sử dụng nước sạch để ăn uống, chế biến càng nan giải hơn. Bởi theo tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo 14 chỉ tiêu theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Còn theo tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch số 09/2005/QĐ-BYT thì phải đảm bảo 15 chỉ tiêu, trong đó các tiêu chí nitrat, clorua, asen, sắt, chì, mangan, thủy ngân trong nước... luôn được coi trọng.
Đối với nhiều thôn, bản vùng cao, người dân vùng nông thôn nơi có nguồn nước tự nhiên từ khe suối, người dân thường lấy nước tự nhiên để sinh hoạt, ăn uống chế biến, không qua kiểm nghiệm. Còn các công trình cung cấp nước thì theo quy định trước khi đưa vào sử dụng phải kiểm tra và sau đó cứ 6 tháng phải kiểm tra lại. Tuy nhiên, một số công trình đưa vào sử dụng xong là chủ đầu tư xem như hoàn thành trách nhiệm, công tác quản lý khai thác sử dụng công trình còn hạn chế, người dân chưa có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ công trình.
Trước thực tế đó, giai đoạn 2011 - 2018, thông qua nhiều chương trình dự án như: Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; Chương trình 134, 135, 30a….đây là những nguồn lực quan trọng đã giúp cho Lào Cai phát triển hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Giai đoạn này, toàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, làm mới 350 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.
Việc đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu mang tính hỗ trợ nhân dân, nhằm từng bước cải thiện đời sống nên công trình đầu tư ở mức đáp ứng chất lượng nước ở mức hợp vệ sinh. Tuy nhiên, một số công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cung cấp được lắp đặt thêm công nghệ xử lý và khử trùng nên đảm bảo nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2011 - 2018, Lào Cai còn hỗ trợ cho trên 42 nghìn lượt hộ gia đình vay vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình từ ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền gần 259 tỷ đồng để xây dựng 30.572 công trình nước sạch nhỏ lẻ hộ gia đình.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên ngành, hiện nay toàn tỉnh có 1.040 công trình cấp nước tập trung tự chảy; trong đó, đa số là các công trình có quy mô nhỏ: 830 công trình cấp nước dưới 70 hộ gia đình, 112 công trình cấp nước cho trên 100 hộ, 100 công trình cấp nước cho 70 - 100 hộ và trên 52 nghìn công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình đảm bảo cấp nước hợp vệ sinh cho 90% dân số nông thôn, trong đó tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia QCVN 02:2009/BYT 34%. Tổng số xã đạt chỉ tiêu sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy định là 73/143 xã, đạt 51% (đánh giá theo tiêu chí 17.1 trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020).
Phấn đấu đạt tỷ lệ 99%
Từ thực trạng nêu trên cho thấy công tác cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, do phòng chống biến đổi khí hậu chưa có giải pháp hiệu quả dẫn đến nhiều công trình bị cạn kiệt nguồn nước và hư hỏng. Tình trạng khan hiếm nguồn nước tại một số xã vùng cao chưa được khắc phục.
Kinh tế hộ nông thôn miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cho công trình cấp nước và vệ sinh chưa được người dân chú trọng, nhất là việc tham gia đóng góp kinh phí để quản lý công trình sau đầu tư còn hạn chế. Xã hội hóa về cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đã triển khai song sự tham gia từ khối doanh nghiệp và tư nhân không đáng kể. Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều người dân vùng nông thôn về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường chưa đầy đủ, nên xã hội hóa từ phía người dân trong việc xây dựng công trình nước sạch theo quy chuẩn gặp nhiều khó khăn.
Đáng lưu ý là bộ máy quản lý nhà về lĩnh vực này còn mỏng, cấp tỉnh có 12 người thực hiện quản lý cả về thủy lợi và cấp nước nông thôn; 100% các xã không có cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực này, cán bộ ban thủy lợi cấp xã là kiêm nhiệm nên hạn chế trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện quản lý khai thác công trình…
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí nước sạch nông thôn, song với mục tiêu ngày càng có nhiều người dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy chuẩn, tỉnh Lào Cai phấn đấu nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh lên 99% vào năm 2025; trong đó, 50% số người dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT.
Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới Lào Cai sẽ tập trung công tác nâng cấp, sửa chữa, quản lý vận hành bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn để duy trì ổn định công trình hiện có, tăng và ổn định bền vững tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Chỉ thực hiện đầu tư những công trình có ít nhất 75% người dân cam kết trả tiền sử dụng nước. Đối với khu vực dân cư sống phân tán cần áp dụng cấp nước nhỏ lẻ như bể chứa khu vực hoặc bể chứa nước mưa hộ gia đình, tuy nhiên các loại hình này chất lượng không ổn định và khó kiểm soát chất lượng, môi trường, do vậy cần chú trọng hướng dẫn xây dựng, bảo vệ nguồn nước và môi trường.
Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quản lý công trình cấp nước, phải làm cho cán bộ làm công tác quản lý cấp nước nông thôn nhận thức rõ quản lý, vận hành công trình là thiết yếu, trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng trong bảo vệ công trình, bảo vệ môi trường, giữ gìn rừng và chống ô nhiễm nguồn nước.
Các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát các chính sách liên quan đến cấp nước nông thôn để đề xuất các chính sách phù hợp điều kiện thực tiễn hiện nay nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư và tham gia quản lý vận hành các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường sau đầu tư. Thực hiện các giải pháp cấp nước an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Tổ chức đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề về thủy lợi, cấp nước cho các xã, thôn, bản nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ quản lý công trình nước sạch. Đưa công nghệ mới vào công tác cấp nước nông thôn như: trạm lọc tinh, khử khuẩn bằng clo… để nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT./.
Theo Dangcongsan.vn