Thêm 29 xã đạt chuẩn
Qua rà soát, đánh giá, chấm điểm nông thôn mới năm 2018, huyện Ứng Hòa có thêm 4 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn huyện lên 19/28 xã. Cùng với Ứng Hòa, các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên... cũng đã có thêm nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết, việc chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới được thực hiện theo Hướng dẫn số 48/HD-SNN ngày 27-6-2017 của Sở NN&PTNT Hà Nội. Theo đó, xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đạt 19/19 tiêu chí trong bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới: Đạt 95 điểm trở lên/thang điểm 100; không có tiêu chí nào bị trừ quá 30% tổng số điểm; không nợ đọng xây dựng cơ bản.
Để bảo đảm việc đánh giá đúng thực chất, TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương nghiêm túc trong công tác chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới, không chạy theo thành tích số xã đạt chuẩn mà dễ dãi khi đánh giá. Trên cơ sở 30 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2018 - như dự kiến mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải - và 3 xã đăng ký năm 2017 nhưng chưa đạt, qua đánh giá của Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới TP Hà Nội thì có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Vì vậy, 4 xã còn lại gồm: Xuy Xá, An Mỹ (huyện Mỹ Đức), Minh Phú (huyện Sóc Sơn) và Thụy Phú (huyện Phú Xuyên) chưa đáp ứng đủ các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm 2018.
Trực tiếp tham gia chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận xét: "Qua rà soát, chấm điểm cho thấy, phong trào xây dựng nông thôn mới đã đi vào chiều sâu và bền vững hơn. Ở tất cả các xã được chấm điểm đều thấy có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong bàn bạc, đóng góp, kiến thiết quê hương. Cơ sở hạ tầng ở các xã được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao; thu nhập bình quân của các xã được thẩm định năm 2018 đều đạt từ 41 triệu đồng/người trở lên; 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn và nước hợp vệ sinh, trên 65% số hộ dân được sử dụng nước sạch...
Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn chia sẻ, để tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới, Ứng Hòa đã tập trung phát triển sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại xã Hòa Phú, rau an toàn tại xã Sơn Công, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản “sông trong ao” ở các xã: Trầm Lộng, Liên Bạt; hình thành các hợp tác xã dịch vụ như: Hợp tác xã An Việt (xã Liên Bạt) chuyên thu mua rau, củ, quả; Hợp tác xã Đoàn Kết chuyên thu mua thóc, gạo cho xã viên. Nhờ có liên kết này, sản xuất ổn định hơn, đời sống người dân được nâng cao hơn.
Tương tự, bằng nhiều giải pháp, huyện Sóc Sơn cũng đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2018 đạt hơn 573,9 tỷ đồng. Kinh phí này được đầu tư vào hệ thống hạ tầng của các xã, trong đó có 2 xã Bắc Phú và Việt Long hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2018, nâng tổng số xã hoàn thành nông thôn mới toàn huyện lên 20/25 xã...
Bên cạnh tiêu chí đạt cao, Hà Nội cũng chỉ ra những tồn tại trong xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương và yêu cầu các xã tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện trong thời gian tới. “Các tiêu chí bị trừ điểm nhiều nhất là nhóm xây dựng hạ tầng. Đây là nhóm cần nguồn vốn đầu tư lớn nên một số địa phương chưa thực hiện được ngay. Cụ thể như, với tiêu chí trường học, để đạt tiêu chí nông thôn mới phải có 3/3 cấp trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng một số xã mới có 2/3 cấp trường đạt chuẩn, 1 cấp trường còn lại chuẩn bị đầu tư... nên bị trừ điểm; hoặc tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hầu hết các xã đều đã xây dựng được nhà văn hóa quy mô thôn nhưng còn thiếu nhà văn hóa và khu thể thao quy mô xã” - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết.
Để đạt hiệu quả cao trong xây dựng nông thôn mới, theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, việc xây dựng nông thôn mới là quá trình không ngừng nghỉ. Sau khi đạt chuẩn, thành phố yêu cầu các xã tiếp tục có kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Quá trình chấm điểm không nên chạy theo thành tích, kể cả các xã đã đạt tiêu chí vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới bởi cốt lõi của việc xây dựng nông thôn mới chính là tạo điều kiện cho nhân dân thực sự được hưởng lợi...
Theo Hà Nội mới