Rực rỡ những vùng quê
Ðến với các xã NTM ở Vĩnh Long hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay của miền quê nơi đây. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi thăm xã Hòa Hiệp (huyện Tam Bình), xã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2017, là những con đường hoa nhiều sắc mầu. Ðồng chí Phan Thành Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết, để có những con đường hoa này, xã vận động người dân lựa chọn trồng các loài hoa có sức sống tốt, phù hợp cảnh quan ven đường và bảo đảm nở hoa nhiều lần trong năm như hoa mười giờ, hoa hoàng yến, hoa giấy… để trồng. Mô hình tuyến đường mẫu "Sáng, xanh, sạch, đẹp" được xã thực hiện từ năm 2013 và thí điểm ban đầu tại ấp 10 nhằm nâng cao ý thức giữ gìn môi trường trong sạch và làm đẹp cảnh quan nông thôn.
Sau khi phát động, mô hình trồng hoa được người dân ủng hộ rất tích cực. Không khí "đua nhau" tìm những giống hoa lạ, đẹp để trồng giữa các hộ dân liền kề đã tạo nên cảnh quan thật sự sạch, đẹp ở vùng nông thôn. Ðến nay, tất cả các tuyến đường trên địa bàn xã với tổng chiều dài gần 20 km đều được "khoác áo hoa" rực rỡ; có nơi hoa được trồng thành nhiều tầng rất đẹp mắt. Người dân sau khi tự tay trồng rất tự giác chăm sóc hoa, đồng thời có ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi để giữ gìn môi trường, làm đẹp cảnh quan.
Xã Thuận An, thị xã Bình Minh được xem là điển hình của phong trào xây dựng NTM ở Vĩnh Long. Năm 2018, Thuận An tiếp tục là xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong số các xã đạt chuẩn NTM. Tham quan vườn rau cải, xà lách xoong của ông Trần Văn Bo ở ấp Thuận Phú A, xã Thuận An, chúng tôi thấy những luống rau xanh mướt mắt chạy dài thẳng tắp. Với diện tích hơn 3.000 m2, thu nhập từ trồng rau cải, xà lách xoong mang về cho gia đình ông Trần Văn Bo mỗi năm hơn 150 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cây lúa và các loại rau màu khác. Ông Bo cho biết, đã đầu tư hệ thống tưới tự động, chỉ cần bật cầu dao điện, trong vài phút là tưới xong, giảm nhiều chi phí so với việc tưới thủ công như trước đây. Ðầu ra của sản phẩm cũng khá thuận lợi khi thương lái đến tận vườn thu mua, đem đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận. Ðây là một trong những mô hình sản xuất đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Thuận An đạt gần 57 triệu đồng/người/năm, vượt chuẩn NTM gần 16 triệu đồng và tăng gần 40 triệu đồng so với cách đây bảy năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%. Trong số 1.200 ha đất nông nghiệp của xã đã có gần 1.000 ha được bà con chuyển sang trồng rau màu, chủ yếu là xà lách, diếp cá.
Ðồng chí Nguyễn Hiếu Nghĩa, Bí thư Thị ủy Bình Minh nhận định: "Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là một vinh dự, nhưng vinh dự càng lớn thì trách nhiệm càng cao vì phải tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí. Trong đó, chúng tôi chú trọng nhất là tiêu chí về thu nhập. Nếu thị xã hoàn thành xây dựng NTM mà thu nhập của người dân không tăng lên thì NTM cũng không có ý nghĩa gì. Ðây là tiêu chí khó nhất. Ðể thực hiện tốt tiêu chí này, địa phương tập trung vào bốn giải pháp cơ bản: Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối địa phương và vùng miền để phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị (xanh, sạch và bền vững), chuyển đất trồng lúa sang trồng màu và cây ăn trái, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tuyên truyền vận động, tạo điều kiện tốt nhất để lao động trẻ tham gia thị trường xuất khẩu lao động. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi có yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí
Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2018, tỉnh đã huy động gần 598 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng về văn hóa, giáo dục, giao thông, thủy lợi, xóa nhà tạm... Nhờ vậy, 89 xã, thị trấn của tỉnh hiện đạt bình quân 15 tiêu chí NTM/xã, tăng 1,3 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017.
Hết năm 2018, toàn tỉnh đã có thị xã Bình Minh và 45 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chiếm 50,5% số xã trong tỉnh. Với kết quả này, Chương trình xây dựng NTM đã hoàn thành trước hai năm so với chỉ tiêu Nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh đề ra cho cả nhiệm kỳ 2016 - 2020. Mục tiêu phấn đấu của Vĩnh Long trong năm 2019 là có thêm sáu xã về đích. Các xã còn lại đạt thêm ít nhất một tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Ðồng chí Vương Thị Thu Hương, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long cho biết, vào giữa năm 2018, qua thẩm định đánh giá nâng chất các tiêu chí NTM tại các xã đã đạt chuẩn, có tới 13 xã bị giảm tiêu chí. Những xã này đều bị sụt giảm ở một số tiêu chí như: trường học, thu nhập, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường, quốc phòng - an ninh, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật… Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, có nhiều tiêu chí được nâng cao. Cụ thể như tiêu chí nước sạch từ 50% lên 65%; bảo hiểm y tế từ 70% lên 85%; hộ nghèo dưới 6%, nay còn 4%...
Sau khi xác định được các tiêu chí giảm, lãnh đạo các huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã bị giảm tiêu chí tìm giải pháp gỡ khó, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cụ thể như xã Hòa Phú của huyện Long Hồ được công nhận NTM vào năm 2016. Kết quả khảo sát của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long vào đầu năm 2018 cho thấy xã có tám tiêu chí bị sụt giảm. Ðến cuối năm, Hòa Phú đã nỗ lực khắc phục được năm tiêu chí, hiện vẫn còn ba tiêu chí về tổ chức sản xuất, trường học, quốc phòng - an ninh đang được xã phấn đấu hoàn thành vào đầu năm 2019.
Ðồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, để chương trình xây dựng NTM phát huy hiệu quả bền vững, hiện nay các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân các xã đã về đích NTM tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Theo đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng NTM phù hợp yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp; gắn quy hoạch cấp xã với quy hoạch chung của huyện và tỉnh; huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, tỉnh quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các địa phương chủ động xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết hợp tác, gắn với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm sản xuất bền vững, hiệu quả...
Theo Nhân dân điện tử