Ngày 22/3, Văn phòng điều phối NTM đã tiến hành kiểm tra Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn huyện Thường Tín.
Báo cáo đoàn kiểm tra, ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện được chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và nhân dân về xây dựng NTM có sự thay đổi. Vai trò của người dân trong xây dựng NTM từng bước được xác định rõ ràng, qua đó khuyến khích, động viên được người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới và phát triển tích cực. An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Kinh tế nông thôn của huyện chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhiều làng nghề truyền thống như: Sơn mài Hạ Thái, thêu ren Quất Động, tiện gỗ Nhị Khê, điêu khắc Hiền Giang... được mở rộng và phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo nông thôn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo sau khi trừ hộ bảo trợ còn 0,84%. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt 46,8%. Công tác chăm sóc y tế sức khỏe đảm bảo tốt, thu nhập đời sống của người dân cũng dần được cải thiện.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến.
Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thường xuyên được quan tâm và đầu tư, đã liên kết với Viện Cây lương thực và thực phẩm chuyển giao các tiến bộ khoa học về giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, UBND huyện đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể khoai tây Thường Tín, dưa chuột Ba Lăng, chăn-ga- gối đệm Trát Cầu xã Tiền Phong. Bên cạnh đó phát triển sản xuất, mô hình chuyển đổi hợp tác xã dịch vụ mới đã được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng việc phát triển nông nghiệp của Thường Tín còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nguồn vốn đầu tư xây dựng chương trình NTM còn hạn chế, chủ yếu là nguồn đầu tư ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Huyền, Phó Chánh văn phòng Văn phòng điều phối NTM yêu cầu huyện Thường Tín cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Thực hiện lấy ý kiến dân chủ, rộng rãi trong nhân dân, các công trình xây dựng đưa ra dân bàn, dân giám sát. Tăng cường huy động các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để xây dựng NTM. Chú trọng công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ hợp lý.
Đồng thời huyện cũng cần hướng dẫn các xã triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu để phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Theo Chinhphu.vn