Kim Bảng xây dựng nông thôn mới toàn diện theo hướng hiện đại

Thứ sáu, 21/12/2018 15:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau bảy năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM bao gồm toàn bộ 19 tiêu chí cấp xã và 9 tiêu chí cấp huyện và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định 1069/QĐ-TTg, sớm hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kim Bảng lần thứ 25 nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra (phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM trước năm 2020). Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như đường giao thông, điện, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất, văn hóa, chợ, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư được cải tạo, nâng cấp, xây mới khang trang, mang dáng vóc hiện đại ở mỗi làng quê. Thu nhập của người dân nơi đây thông qua sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh.

Diện mạo huyện Kim Bảng hôm nay.

Mục tiêu xây dựng NTM của huyện Kim Bảng là thiết thực, hiệu quả, phấn đấu là huyện có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững; nông thôn phát triển; kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại; dân chủ được phát huy, bản sắc văn hóa được giữ vững, môi trường bảo đảm, an ninh được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền huyện Kim Bảng xác định rõ bước đi và lộ trình thực hiện. Quá trình thực hiện, huyện chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực NTM từ huyện đến xã đều là những cán bộ có năng lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; có khả năng nắm bắt, tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, nhất là từ cơ sở. Nhờ có sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay, huyện Kim Bảng đã được công nhận là một trong hai huyện đầu tiên của tỉnh Hà Nam đạt chuẩn NTM.

Được coi là huyện có thế mạnh phát triển toàn diện, từ những năm đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Kim Bảng được giao lựa chọn một xã làm điểm xây dựng NTM của tỉnh Hà Nam. Huyện chọn xã Thi Sơn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh và được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2013. Rút kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo và thực hiện tại xã điểm Thi Sơn, từ năm 2014 đến 2017, mỗi năm huyện Kim Bảng hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu hai đến sáu xã hoàn thành xây dựng NTM. Tuy bước đầu bắt tay vào xây dựng NTM ở Kim Bảng, nhiều xã mới đạt 5 trong số 19 tiêu chí, song từ sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, đến cuối năm 2017 cùng với việc phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM ở bốn xã còn lại, Kim Bảng cũng đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM.

Bảy năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, Kim Bảng đã có những bước đi vững chắc để hoàn thành mục tiêu kép - cả xã và huyện cùng đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành mục tiêu đó, Kim Bảng đã huy động đầu tư tới gần 2.000 tỷ đồng cho xây dựng các tiêu chí từ xã đến huyện, song không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Đây chính là một trong những thành công lớn của huyện Kim Bảng trong thực hiện xây dựng NTM. Việc sử dụng nguồn vốn trong xây dựng NTM được huyện triển khai bảo đảm công khai, dân chủ và minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước đầu tư Chương trình xây dựng NTM được phân bổ, quản lý, sử dụng bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng là nguồn lực chủ yếu trong đầu tư, hỗ trợ các xã thực hiện Chương trình. Ngân sách cấp huyện tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về trường học, giao thông, thủy lợi, sân vận động, nhà văn hóa xã, thôn, xóm, trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, được tiếp nhận và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên công trình phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh thiết yếu như: Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trường học, giao thông nông thôn và đường trục chính nội đồng xã, các tuyến đường của huyện, trạm y tế... Nguồn vốn của nhân dân đóng góp được thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định theo đúng Pháp lệnh 34. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư theo các hạng mục đề án xây dựng NTM đã được phê duyệt, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua các Ban phát triển thôn, Ban giám sát cộng đồng đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các thôn, xóm trên toàn huyện. Hằng năm, đều tổ chức tổng kết công tác xây dựng cơ bản, từ xã, đến huyện và công khai đến từng thôn, xóm, qua đó việc huy động, sử dụng nguồn kinh phí được người dân đồng tình ủng hộ cao.

Về Kim Bảng hôm nay, chúng ta cảm nhận sự đổi thay từ các tuyến đường trục liên xã, liên thôn đến ngõ xóm được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, các xã đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo. Từ năm 2011 đến 2017, huyện Kim Bảng đã đầu tư làm mới được 131,58 km đường thôn, xóm bằng bê-tông với kinh phí 100,8 tỷ đồng; cứng hóa 142,793 km đường trục chính nội đồng, kinh phí 67,8 tỷ đồng. Đến nay toàn bộ các tuyến đường có chiều rộng nền đường đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã xây mới 358 phòng học, phòng chức năng; nâng cấp, sửa chữa 267 phòng học, phòng chức năng của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; đóng mới bàn ghế được 4.960 chỗ ngồi, sửa chữa được 2.821 bộ bàn ghế; xây mới 50 công trình vệ sinh với tổng kinh phí hơn 493,78 tỷ đồng; mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học với tổng kinh phí thực hiện hơn 236 tỷ đồng. Hệ thống các trường học được quan tâm đầu tư khang trang với toàn bộ 58 trường học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được xây dựng mới và nâng cấp từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn hạng ba; 17 trong số 18 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; nếp sống văn minh, ý thức vệ sinh môi trường trong thu gom rác thải, môi trường nông thôn được chú trọng. Phong trào trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan môi trường ngày càng được nhân rộng.
 

Một góc khu du lịch tâm linh Tam Chúc, thị trấn Ba Sao.

Thực hiện xây dựng NTM, cơ cấu kinh tế của huyện đã có chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân đã chú trọng trang bị kiến thức và được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh sản xuất trên cánh đồng mẫu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tích tụ ruộng đất sản xuất nông sản sạch nhằm nâng cao thu nhập. Năm 2017, toàn huyện đã tích tụ được 255,7 ha đất nông nghiệp để sản xuất nông sản sạch; xây dựng và thực hiện được 18 mô hình cánh đồng mẫu ở 14 xã, diện tích 569 ha để sản xuất hàng hóa có liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững theo chuỗi giá trị cao gấp hai đến ba lần so với sản xuất thông thường. Do nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch, giảm tối đa các chi phí sản xuất đầu vào, nâng cao độ đồng đều, cho nên hiệu quả kinh tế của các cánh đồng lớn tăng thêm từ 10 đến 12 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Đối với cây dưa cho thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/sào, trừ chi phí thu lãi từ 8 đến 10 triệu đồng/sào. Để đồng hành cùng người dân trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã chỉ đạo các xã chuyển đổi Hợp tác xã (HTX) theo Luật HTX năm 2012 và ba HTX kiểu mới ít xã viên hoạt động đạt hiệu quả tốt.

Thực hiện tốt công tác quản lý, thu hút đầu tư, phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp; từng bước phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.750 tỷ đồng. Các làng nghề truyền thống, làng có nghề được duy trì và phát triển. Toàn huyện có 67 làng, trong đó có bốn làng được công nhận làng nghề và 63 làng đạt tiêu chí làng có nghề, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nghề gốm Quyết Thành. Trong những năm gần đây, các sản phẩm của làng nghề rất phát triển, đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và nước ngoài, một số sản phẩm chính như túi thổ cẩm, gốm sứ, khảm trai sơn mài, mộc dân dụng..., mang lại giá trị ước đạt 889,74 tỷ đồng. Nhờ vậy, đời sống và thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, năm 2017 đạt 54,8 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo trong toàn huyện không thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm còn 1,23%.

Quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện chính sách an sinh xã hội gắn với Chương trình xây dựng NTM, huyện đã huy động được nhiều nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu ở địa phương; với nỗ lực trong tổ chức thực hiện, công tác an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Kim Bảng. Các chính sách và giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo được các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn quan tâm, triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực như: Tuyên truyền, khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giúp hộ nghèo tiếp cận dạy nghề, hỗ trợ về nhà ở không an toàn; chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách vay vốn để phát triển ngành nghề,... nâng cao thu nhập cho người lao động và từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Ngay sau khi hoàn thành huyện NTM, Kim Bảng đã triển khai ngay việc xây dựng xã, huyện NTM kiểu mẫu, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch, tạo đà đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 80 triệu đồng/người/năm.

Xác định rõ lộ trình, bước đi, huyện Kim Bảng đang tập trung thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, thay đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, nông sản sạch, hình thành vùng sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân... Đồng thời, tiếp tục dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn dưới 30%. Phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động dịch vụ; tập trung khai thác thế mạnh du lịch của huyện, trước mắt tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phương án bảo đảm thi công đáp ứng tiến độ xây dựng tổng thể Khu du lịch Tam Chúc, thị trấn Ba Sao phục vụ cho việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2019. Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn: đường giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin truyền thông, thương mại, nhà ở dân cư, theo tiêu chí văn minh, lịch sự; bảo đảm mục tiêu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu chính là đích đạt tới trên bước đường xây dựng quê hương Kim Bảng ngày càng phồn thịnh, văn minh.
 

Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)