Đan Phượng: Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ sáu, 07/07/2017 15:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau khi huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), huyện Đan Phượng vẫn tiếp tục duy trì, phát huy các tiêu chí đã đạt, đặc biệt là xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn.

Trồng hoa trong nhà màng, nhà lưới bảo đảm chất lượng và mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Minh Nhung

Xây dựng xã NTM kiểu mẫu

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, sau khi huyện Đan Phượng được công nhận là huyện NTM, huyện đã thường xuyên tổ chức họp giao ban với các xã để xây dựng kế hoạch và triển khai trong giai đoạn mới. Riêng 3 xã Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung huyện trực tiếp kiểm tra công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện, 3 xã đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã NTM kiểu mẫu, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và lập kế hoạch xây dựng xã NTM kiểu mẫu năm 2017-2018.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, các xã trong toàn huyện đã tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, trọng tâm là xã hội hóa xây dựng đường trồng hoa, gắn biển số nhà. Đến nay, các xã đã triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân trồng hoa trên các đoạn đường được 8,29 km với tổng kinh phí ước đạt 639,57 triệu đồng. Riêng hộ gia đình ông Nguyễn Tứ Hùng, cụm 13, xã Tân Lập ủng hộ 1,8 tỷ đồng kè ao môi trường. Về gắn biển chỉ dẫn và biển số nhà, hiện xã Song Phượng đã hoàn thành, 3 xã: Đan Phượng, Liên Hà, Liên Trung đã hoàn thành các bước, tiến hành gắn biển chỉ dẫn, biển số nhà trong tháng 6 vừa qua. Các xã còn lại cũng cơ bản lập xong phương án triển khai, trong đó 4 xã Phương Đình, Thượng Mỗ, Đồng Tháp, Thọ Xuân đã hoàn thành làm điểm tại các thôn và đang triển khai nhân rộng trên toàn xã; 5 xã Hạ Mỗ, Thọ An, Hồng Hà, Tân Hội đang triển khai tại các điểm; 2 xã Trung Châu, Liên Hồng cũng đang triển khai. Toàn huyện sẽ phấn đấu hoàn thành xong trước tháng 12/2017.

Bên cạnh đó, chất lượng các tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội được nâng cao. Hiện huyện Đan Phượng đã hoàn thành xây dựng 0,371 km đường trục thôn; chỉnh trang một tuyến đường thôn dài 0,65 km; 12 nhà văn hoá thôn, cụm dân cư; 3 ao môi trường... Huyện cũng chuẩn bị khởi công các dự án trường mầm non Đan Phượng, nhà văn hóa thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp và mở rộng nhà văn hóa cụm 10 thôn Hòa Bình xã Thọ Xuân…

Bên cạnh đó, huyện cũng khắc phục vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề. Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, thời gian qua, huyện Đan Phượng đã phối hợp với Công ty Cổ phần nước mặt sông Hồng triển khai dự án nhà máy nước mặt sông Hồng bảo đảm cung cấp nước sạch cho nhân dân. Đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn thực hiện công tác vệ sinh môi trường đảm bảo xanh-sạch-đẹp.

Hiện nay, huyện Đan Phượng cũng đã xây dựng trạm xử lý nước thải tại làng nghề xã Liên Hà, chuẩn bị đầu tư trạm xử lý nước thải xã Liên Trung và đang tiếp tục mở rộng 2 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề xã Liên Hà, Liên Trung, Đan Phượng... Chính vì vậy, để bảo đảm môi trường, các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường sẽ được đưa ra khỏi khu dân cư. Chất thải rắn ở các điểm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện, trạm y tế, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đều được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.

Tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao thu nhập

Song song với chương trình xây dựng NTM, huyện Đan Phượng cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Đan Phượng đã chuyển đổi được 91 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao đồng thời hoàn thành dự án xây dựng nhà màng lưới trồng rau an toàn trường mầm non Phương Đình, Thọ Xuân. Trong đó, trường mầm non Phương Đình đã sản xuất ổn định, tạo ra sản phẩm rau an toàn cung cấp cho các cháu trường mầm non. Bên cạnh đó, huyện đã phê duyệt dự án chăm sóc phục hồi và nâng cao thương hiệu bưởi tôm vàng xã Thượng Mỗ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao như: nghiên cứu, sưu tập, bảo tồn và phát triển nguồn gen thực vật quý hiếm phục vụ công tác chọn, tạo và nhân giống cây trồng chất lượng cao xã Đan Phượng; dự án khu nghiên cứu phát triển giống, cây trồng công nghệ cao tại xã Song Phượng… và sản xuất dược liệu. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Thạc Hùng, việc Đan Phượng ưu tiên vào phát triển công nghệ cao là do huyện có bình quân diện tích thấp, nên để phát triển nông nghiệp cần tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra hàng hóa có sức cạnh tranh được với thị trường.

Huyện cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông qua triển khai mô hình bảo vệ thực vật ngâm nước để hạn chế sâu bệnh hại trên cây rau cải tại xứ đồng Bãi  Đáy, xã Phương Đình; mô hình bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang trên rau muống tại xã Liên Hồng; mô hình phân bón hữu cơ cải tạo đất tại Thọ Xuân, Thọ An… Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các nông sản chủ lực đảm bảo bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX  nông nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, ước giá trị sản xuất nông nghiệp-thuỷ sản của huyện Đan Phượng đạt 526 tỷ đồng, đạt 56,86% so kế hoạch năm, trong đó trồng trọt 252 tỷ đồng, chăn nuôi 256 tỷ đồng, thuỷ sản 18 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống nông dân của huyện. Trong đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Trong đó, xây dựng 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung đạt NTM kiểu mẫu vào năm 2018. Đồng thời xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thịt lợn tại Trung Châu và rau an toàn tại Phương Đình. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí NTM giảm còn 1,95%.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)