Phát huy nguồn lực nội tại
Là huyện ngoại thành có xuất phát điểm thấp, Phú Xuyên bắt tay vào xây dựng NTM với khá nhiều khó khăn. Huyện xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện tốt chương trình, huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các xã làm tốt phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, nêu gương các điển hình tiên tiến với những cách làm hay, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, sáng tạo; tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao giá trị canh tác, từ đó cải thiện đời sống nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, qua thống kê, đến nay, huyện đã có 16 xã đạt chuẩn NTM. Đây là kết quả đáng ghi nhận của người dân vùng đồng chiêm trũng. Từ xây dựng NTM, huyện đã chuyển đổi được hơn 2,4 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích VAC là hơn 1,5 nghìn ha; nuôi trồng thủy sản 445 ha; cây ăn quả 178 ha; rau an toàn 241 ha…, đã tạo ra cơ hội để người dân tích tụ ruộng đất, đầu tư khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cho ra đời nhiều mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao với giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt từ 200 đến 300 triệu đồng, có những mô hình đạt từ 400 đến 500 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm an toàn thực phẩm. Điển hình như: mô hình trồng măng tây ở xã Hồng Thái có sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, trồng trong nhà màng; một số trang trại ở các xã Phúc Tiến, Châu Can, Quang Lãng, Tân Dân sử dụng các loại giống mới nhập ngoại, chăn nuôi theo công nghệ chuồng khép kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Tri Trung sử dụng giống lai; mô hình nuôi cá sông trong ao ở xã Khai Thái… không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các chủ trang trại, HTX mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương trung bình dao động từ bốn đến năm triệu đồng/tháng.
Theo bà Phạm Thị Hoa, nông dân xã Châu Can, nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa và quy hoạch lại sản xuất, thu nhập của gia đình bà từ nông nghiệp đã tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây, làm hai vụ lúa, chỉ đủ lương thực phục vụ cuộc sống, thì nay việc dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện cho đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động, năng suất lúa cao, thu nhập cũng từ đó tăng lên. Không chỉ có gia đình bà Hoa vui mừng với những thành quả từ NTM, mà gia đình chị Nguyễn Thị Tâm cũng có cuộc sống khấm khá hơn khi NTM được triển khai tại xã Sơn Hà. Tại đây, không ít hộ dân đã trở thành chủ những xưởng sản xuất nhỏ về mặt hàng da giày. Chị Tâm cho biết, ngoài làm hai vụ lúa, những tháng nông nhàn, gia đình chị và nhiều hộ dân trong xã tranh thủ nhận hàng da về may túi, ví… cho thu nhập từ bốn đến năm triệu đồng/tháng.
Để người dân được thụ hưởng NTM
NTM không chỉ là hình thành nên những cánh đồng mẫu lớn, các mô hình sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, mà NTM còn tạo ra cơ sở hạ tầng tốt cho người nông dân. Những con đường liên xã, liên thôn được bê-tông hóa. Hệ thống mương, máng được khơi thông dẫn dòng chảy đến từng bờ ruộng. Tuy nhiên, để người dân được hưởng lợi trọn vẹn từ NTM vẫn cần nguồn hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp. Hiện nay, việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho chương trình xây dựng NTM bằng nguồn ngân sách nhà nước ở Phú Xuyên còn hạn chế, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều; một số xã các tiêu chí vẫn đạt ở mức thấp như trường học, giao thông nội đồng; công tác tuyên truyền xây dựng NTM ở một số nơi còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp làm trong xây dựng NTM, chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở, chưa chú trọng đến các tiêu chí khác. Hơn nữa, đời sống và thu nhập của nhân dân ở một số xã thuần nông còn thấp, chưa ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm; tỷ lệ người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp…
Theo kế hoạch, thời gian tới Phú Xuyên sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong xây dựng NTM; huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên trường học, trạm y tế, giao thông nội đồng, điện nông thôn, hệ thống tiêu, thoát nước thải, cấp nước sinh hoạt cho các xã chưa đạt chuẩn. Đồng thời tập trung chỉ đạo các xã chưa đạt tiêu chí NTM phấn đấu hoàn thành; căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn phương pháp, cách triển khai phù hợp, không dàn trải với tinh thần lựa chọn các tiêu chí có tính khả thi cao thực hiện trước; giải quyết các nhu cầu bức xúc của nhân dân để tạo động lực thực hiện hiệu quả các tiêu chí.
Ngoài ra, Phú Xuyên cũng đẩy mạnh công tác dạy nghề cho nông dân gắn với phát triển sản xuất và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Theo Nhân dân điện tử