Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong quá trình triển khai có rất nhiều những bài học hay, gương tiêu biểu của nhiều địa phương và nhiều nhân tố góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của chương trình.
Đúc rút kinh nghiệm có được từ kết quả chỉ đạo thí điểm 11 xã đại diện cho các vùng kinh tế - văn hóa trên cả nước xây dựng mô hình nông thôn mới từ năm 2008-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Qua đó, đã khẳng định được chủ trương lấy cấp xã là địa bàn trọng tâm để xây dựng mô hình nông thôn mới là đúng đắn và phù hợp với điều kiện thực tế, đúng với quan điểm, đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Vào thời điểm năm 2010 khi bắt đầu Chương trình, bình quân cả nước chỉ đạt xấp xỉ 4 tiêu chí/xã và là Chương trình mới với cách tiếp cận mới, lần đầu tiên triển khai đồng loạt trên phạm vi tất cả gần 9.000 xã, 670 đơn vị cấp huyện và cả 63 tỉnh, thành phố.
Khối lượng công việc “khổng lồ” về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội mà trong thực hiện phải vừa làm vừa nghiên cứu rút kinh nghiệm, bổ sung.
Sau khi hệ thống cơ chế, chính sách đã sớm được hoàn thiện, giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chú trọng về chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.
Do đó, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã điều chỉnh, sửa đổi theo hướng linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt có sự lồng ghép 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị.
Đến năm 2019, thu nhập từ hoạt động nông lâm thuỷ sản chỉ còn chiếm 22% tổng thu nhập của hộ nông thôn, thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp chiếm 78%.
Tuy đạt được kết quả toàn diện, đời sống của người dân vùng nông thôn mặc dù đã được nâng lên 3,5 lần, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, so với thực tế, so với yêu cầu và với nguyện vọng của chúng ta thì vẫn còn thấp.
Điển hình như chỉ tiêu về môi trường. Hiện nay mới đảm bảo có 63,7% số xã có thu gom rác thải. Đây mới chỉ là bước thu gom còn xử lý triệt để theo công nghệ mới lại là cả vấn đề.
Hay sản xuất lớn, sản xuất liên kết, sản xuất chuỗi ở khu vực nông thôn đã hình thành nhưng chưa thành phổ biến, thậm chí có tình trạng người dân không mặn mà với ruộng đất.
Trạm y tế xã được đầu tư xây mới theo chuẩn quốc gia về y tế. Ảnh: Nam Sương - TTXVN
Từ thực tế có tình trạng nông dân bỏ ruộng, không phải bỏ đất do hiệu quả sản xuất không cao. Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, khu vực nông thôn vẫn còn rất nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Điều đó cho thấy, vai trò của hợp tác xã, vai trò của doanh nghiệp với việc liên kết sản xuất trong nông nghiệp giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong xây dựng xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Các địa phương đẩy mạnh xây dựng hợp tác xã để gắn kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong cơ cấu kinh tế nông thôn.
Điển hình tỉnh Sơn La, trong vòng 3 - 4 năm, tỉnh chuyển đổi tăng gấp 3 lần diện tích cây ăn quả, thành lập hơn 800 hợp tác xã.
Hay tỉnh Bắc Giang hiện đã hình thành một trục kinh tế của các sản phẩm nông thôn, do đó đã gắn kết, đi đôi thiết chế hạ tầng, khi phát triển đến đâu phải phục vụ sản xuất đến đó.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, Hà Tĩnh gắn kết chặt chẽ giữa tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu với trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế vườn đã giải được một phần bài toán khó trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Với thực tiễn “dừng lại là rớt chuẩn, chuyển biến chậm sẽ bị bỏ lại phía sau”. Ông Lê Đình Sơn cho rằng, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải là xu thế tất yếu hướng tới của các xã đã đạt chuẩn.
Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, luôn cập nhật và thực hiện theo chuẩn mới.
Tỉnh ưu tiên hơn nữa mục tiêu xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn; đồng thời các cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng và ưu tiên theo hướng này. Hà Tĩnh phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 một cách vững chắc, bền vững.
Để gắn kết sản xuất theo chuỗi giá trị, theo ông Trần Mạnh Báo, Chính phủ, các bộ ngành cần tổ chức lại hệ thống hợp tác xã nông nghiệp theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.
Địa phương cần tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hai hướng. Tích tụ đất đai quy mô lớn làm doanh nghiệp sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Nơi nào không có điều kiện tích tụ đất thì tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã với sự tham gia của nông hộ nhưng có sự hướng dẫn và tích hợp lại thành tổ chức sản xuất cùng quy trình, công nghệ.
Tuy phát triển nông thôn đạt được những tiến bộ nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu tiếp tục không có giải pháp căn cơ thì trước tác động biến đổi khí hậu, những thành quả vừa qua kể cả trong lĩnh vực nông thôn mới có những địa phương sẽ về không.
Do đó, đi đôi với các nhóm giải pháp phát triển kinh tế bền vững cần nâng cao năng lực của cộng đồng trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giai đoạn tới, trong chương trình đầu tư nguồn lực trung hạn, việc đầu tư các nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu phải được coi là một nhóm nguồn lực ưu tiên nhất.
Hay tại các vùng núi, biên giới, hải đảo, những vùng đặc biệt khó khăn, được coi là “vùng lõm” về các mặt, trong chính sách 2021-2025 về nông thôn mới, chúng ta phải điều chỉnh, kể cả về mặt chủ trương, nguồn lực và biện pháp chỉ đạo để cố gắng làm sao giảm dần khoảng cách và tiến tới có một sự đồng đều trong phát triển chung của đất nước./.
Theo TTXVN