Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để tạo ra các sản phẩm đặc hữu của địa phương, ngành KH&CN tỉnh đã triển khai các công trình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các sản phẩm đặc hữu có giá trị kinh tế cao của các địa phương trong tỉnh, qua đó, các sản phẩm nổi tiếng của địa phương từng bước được phục tráng và phát triển, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân, điển hình như: Nghiên cứu phục tráng, bảo tồn nguồn gen cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, quýt Trà Lĩnh, lê Bảo Lạc, lê Nguyên Bình, lê Đông Khê, lúa nếp hương Bảo Lạc, lúa nếp Pì Pất, các giống mận đặc sản địa phương…, đã tạo được giống cây sạch bệnh, mang đầy đủ các đặc tính nông học của cây vật liệu ban đầu. Từ kết quả nghiên cứu đã nhân rộng mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc sản của địa phương. Nhiều mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN được các sở, ngành, các huyện, Thành phố triển khai góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất được đẩy mạnh, nhiều mô hình ứng dụng, thử nghiệm các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao tại địa phương được triển khai, qua đó đã xác định được một số loại giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện của từng vùng, góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, như: nghiên cứu phát triển cây đậu xanh vụ hè thu trên đất nương rẫy của tỉnh; trồng khoai tây vụ đông tại các huyện: Hòa An, Thông Nông; phát triển mô hình sản xuất nấm hương; sử dụng thuốc lá nguyên liệu giống mới; sản xuất lạc giống L14 vụ hè thu; phục tráng và phát triển sản xuất cây dược liệu thạch hộc thiết bì; ứng dụng nano kim loại tăng năng suất ngô tại các khu vực thiếu nước trên địa bàn tỉnh…
Từ các công trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN, năng suất, chất lượng của một số cây chủ lực của tỉnh được nâng cao, 90% diện tích được sử dụng các giống ngô lai, 65% diện tích sử dụng giống lúa lai; các giống mía chất lượng cao được đưa vào sản xuất, năng suất đạt 75 - 90 tấn/ha. Trong chăn nuôi tiếp tục duy trì phát triển, sản xuất giống lợn có năng suất cao, phát triển giống lợn khoang của tỉnh; cải tạo, phát triển nâng cao thể trạng đàn bò của tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu nuôi thử nghiệm các giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh, như: Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống cá rô phi đơn tính; chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá chép lai 2, 3 máu; nghiên cứu phát triển giống cá tầm Nga; nghiên cứu ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn quy mô hộ; phát triển các mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, gà sinh sản HA, gà mía, vịt bầu tại huyện Hà Quảng... Các mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất tiếp tục được nhân rộng, như: Ứng dụng chế phẩm EMIC vào chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ sinh học, xử lý môi trường; mô hình nuôi giun quế phục vụ chăn nuôi quy mô hộ gia đình; mô hình cây trồng giống mới (chuối, đu đủ, xoài hạt lép); mô hình liên kết “4 nhà” trong việc mở rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công tác xây dựng quy trình trong bảo quản, chế biến nông sản phục vụ nền sản xuất nông nghiệp bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, tạo ra nhiều sản phẩm có thế mạnh như: nấm hương, chè xanh thơm, chè Mao Tiêm, chè Ôlong, chè sợi, hồng trà, chè Đông phương mỹ nhân mang nhãn hiệu Kolia, chè Giảo cổ lam, chè dây, miến dong Nguyên Bình...; xây dựng được các quy trình công nghệ chế biến sản xuất sản phẩm từ cây thạch đen, hà thủ ô đỏ, dong riềng, mác mật; hoàn thiện và chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống cam, quýt sạch bệnh… Thông qua các dự án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, nhiều cán bộ, nông dân được tập huấn kỹ thuật, tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất và đời sống. Năm 2016, Sở KH&CN hỗ trợ xã Thị Ngân (Thạch An) triển khai Dự án xây dựng mô hình trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách KH&CN 800 triệu đồng. Đến nay, dự án đã tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè cho các hộ dân trong xã và tổ chức cho bà con trồng được 4 ha chè các giống: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, PH8. Đến năm 2018, dự tính sẽ đạt năng suất 2 - 3 tấn/ha, cho sản phẩm 8 - 12 tấn nguyên liệu. Khi mô hình bước vào thời kỳ kinh doanh sẽ cho sản phẩm thu hoạch khoảng 60 tấn chè búp tươi/năm.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ đập cao su và trạm bơm thủy luân phục vụ cấp nước trong điều kiện cạn kiệt nguồn nước để chủ động điều tiết được nguồn nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân huyện Trà Lĩnh, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN bám sát mục tiêu Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn: Do kinh phí hạn chế nên các mô hình được thực hiện với diện tích, quy mô chưa đủ lớn để tạo ra những đột phá về sản lượng, thu nhập cho người dân; tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất còn thấp; công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói đã được triển khai áp dụng với một số sản phẩm chủ lực nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; một số địa phương và người dân chưa chủ động, sẵn sàng trong việc tiếp thu các mô hình ứng dụng khoa học đã thành công trên địa bàn tỉnh để nhân rộng sản xuất, phát triển kinh tế… Để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phục vụ xây dựng NTM, thời gian tới, ngành KH&CN nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, tạo bước đột phá mới về nghiên cứu, chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh để phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, quan tâm sản xuất rau, hoa, cây trồng có giá trị cao; xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất, thâm canh cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; đề xuất xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp vào điều kiện thực tế của các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; tăng cường chuyển giao KH&CN để phát triển nông nghiệp và phục vụ xây dựng NTM...
Theo baocaobang.vn