Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Không để phố trong làng

Thứ hai, 13/03/2017 14:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong 10 sự kiện nổi bật của TP.Hà Nội năm 2016. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình 02 vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hiện vẫn còn manh mún, tốc độ tái cơ cấu chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô.”

Sản xuất đồ gỗ tại Thường Tín, Hà Nội - một trong những nghề gia tăng giá trị nhờ áp dụng nhiều công nghệ mới. Ảnh: Đỗ Hương

Mới đây, trong cuộc họp về Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Hà Nội đang phải trả giá vì có nơi từ xã lên phường nhưng hạ tầng thì vẫn là cấp làng, xã, không đáp ứng được yêu cầu của đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương. Có nơi vẫn là phố trong làng”.

Ông Sửu cũng chỉ ra có những quận vẫn còn kế hoạch gieo lúa, trồng khoai; là cư dân đô thị nhưng vẫn “ngóng tiếng sấm” để chăm vụ lúa chiêm, để cho thấy quá trình xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn còn chưa sâu. “Nhiều xã, phường đã phải làm lại quy hoạch, đã phải trả giá”, ông Sửu nói.

Đạt thành tựu nhưng vẫn nhiều thách thức


Năm 2016, thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm huyện Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Ngoài ra, UBND Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn NTM năm 2016 và huyện Hoài Đức đạt chuẩn NTM năm 2017.

Đồng thời, trong năm 2016, Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM Thành phố đã thẩm định 58 xã, thuộc 16 huyện, thị xã, theo đó, có 54 xã đủ điều kiện đã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2016; Tăng 32 xã so với kế hoạch Thành phố đề ra (22 xã), đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM đến nay là 255/386 xã (chiếm 66,06%). Trong 131 xã còn lại, có 88 đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 42 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí, chỉ còn một xã Ba Vì, huyện Ba Vì là đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong thời quan qua, công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được các đơn vị của Thành phố tích cực quan tâm thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả công tác này, trong thời gian tới Thành phố sẽ tích cực chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ cao, học tập mô hình nông nghiệp cơ giới hoá, học tập các mô hình nước ngoài.

Theo kế hoạch, năm 2017, Thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng hạ tầng khung trong kết cấu hạ tầng nông thôn; chú trọng xuất khẩu nông sản và quan tâm hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, các huyện cũng cần tập trung giảm nghèo, quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng – Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Hà Nội nhận định: Kết quả xây dựng NTM là một trong 10 sự kiện nổi bật của Thành phố năm 2016. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình 02 vẫn còn những hạn chế nhất định như phát triển sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tốc độ tái cơ cấu chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa vững chắc; việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp hiệu quả chưa như mong muốn. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đô thị còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện như Phú Xuyên, Ba Vì còn cao…

Bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2017 là khá nặng nề, do đó cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình 02. Cụ thể, đối với sản xuất nông nghiệp phải tiến hành chuyển dịch cơ cấu hợp lý, tăng nhanh diện tích hoa, cây cảnh, rau an toàn; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, có ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ


Trở lại cuộc họp mới đây về Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có nêu thực trạng “sau một đêm thành quận, phường” như huyện Từ Liêm của Hà Nội, nhưng hạ tầng đường sá được quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây ra lãng phí xã hội…

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Đề án về NTM tới đây sẽ phải đưa ra tầm nhìn xây dựng NTM theo hướng đô thị hài hòa, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa chứ không phải để tạo ra một khuôn mẫu NTM duy nhất.

Từ mục tiêu đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành xác định được khung khổ về quy hoạch phát triển cho NTM trong quá trình đô thị hoá ở cấp huyện hay tại các xã được chuyển đổi thành đô thị; đặt ra tỷ lệ % hợp lý về số xã, huyện được quy hoạch theo hướng này…

Việc thực hiện Đề án sẽ theo nguyên tắc thị trường, huy động nguồn lực từ người dân và ngân sách của địa phương là chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện.

Theo chỉ đạo của Phó Bí thư Ngô Thị Thanh Hằng, tới đây, Hà Nội sẽ tiến hành rà soát lại chính sách khuyến khích và liên kết với các trường, viện nghiên cứu để tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Thành phố giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng ít nhất một khu, vùng, mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao và mỗi huyện có ít nhất 1 điểm, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ sinh học trong nông nghiệp.

Đối với xây dựng NTM, yêu cầu của chương trình ngày càng cao theo bộ tiêu chí mới. Do đó, các huyện, thị xã cần rà soát lại việc đăng ký chỉ tiêu NTM có trọng tâm, trọng điểm. Phấn đấu đến năm 2018, Hà Nội sẽ có 80% xã đạt chuẩn NTM, về đích trước thời hạn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI đề ra và giữ vững vị thế đi đầu cả nước về xây dựng NTM.

 


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)