Đan Phượng: 2 xã cuối cùng được xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ tư, 18/11/2015 14:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 16/11, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo chương trình 02-CTr/TU Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra, chấm điểm tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại 2 xã Thọ Xuân và Hồng Hà, đây là 2 xã cuối cùng của huyện Đan Phượng được xét để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015.

Đường giao thông liên xã của huyện Đan Phượng

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã đã tuyên truyền, vận động chuyển đổi mô hình vườn trại, thông qua việc chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các bộ giống cây trồng vật nuôi có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay toàn xã chuyển đổi vùng sản xuất được trên 12,87ha hoa, 21,6ha rau, 33,8ha đu đủ, 32,7ha chuối và 14,5ha cây ăn quả các loại.

Xã có giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn đều tăng do công tác tuyên truyền vận động người dân đi học nghề, chuyển đổi nghề, tổ chức các hội nghị tư vấn cho người lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn. Tốc độ phát triển kinh tế năm 2014 đạt 127% so với cùng kỳ, tăng 16% so kế hoạch, năm 1014 thu nhập bình quân đầu người trên 26,1 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,38%, dự tính thu nhập bình quân đầu người hết năm 2015 là 29,1 triệu đồng.

Ngoài ra xã đã làm tốt công tác giảm nghèo như hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho các hộ nghèo vay vốn, phát triển kinh tế. Nếu như năm 2011 có 214 hộ nghèo chiếm 10%, đến nay còn 2,3%.

Trong quá trình xây dựng NTM xã đã tập trung huy động nhiều nguồn lực khác nhau, tổng kinh phí đã thực hiện là hơn 93 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp là 11,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã cũng tập trung phát triển giáo dục, y tế, tiêu chí về văn hóa được quan tâm, đến nay có 7 cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao được phát huy.


Đoàn kiểm tra, chấm điểm tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại xã Hồng Hà


* Cùng ngày đoàn đã có buổi làm việc với xã Hồng Hà. Theo lãnh đạo xã, trong công tác chỉ đạo, điều hành xã luôn phát huy trí tuệ tập thể, phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các nội dung về xây dựng nông thôn mới được bàn bạc công khai, dân chủ, có sự tham gia đóng góp ý kiến nhân dân ngay từ khi xây dựng quy hoạch, đề án xây dựng NTM đến khi triển khai thực hiện các dự án thành phần.

Trong phát triển kinh tế, cùng với các cây trồng truyền thống xã cũng chuyển đổi sản xuất vùng bãi sang trồng chuối, cây dược liệu bằng 26,8 ha đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện đã xây dựng và triển khai thực hiện 2 dự án sản xuất hoa chất lượng cao với diện tích 10,82 ha tại khu đồng Lò Ngói và Tay Áo, Cấn Trên được UBND huyện phê duyệt.

Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì, giá trị chăn nuôi tiếp tục tăng. Xã cũng tích cực duy trì và phát triển làng nghề truyền thống chế biến lương thực, thực phẩm được UBND tỉnh Hà Tây cũ công nhận. Đến nay toàn xã có 327 hộ sản xuất đậu, 291 hộ nấu rượu đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Xã đã tích cực chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo như tạo điều kiện cho 83 hộ nghèo vay 2,8 tỷ đồng để phát triển sản xuất, hỗ trợ 45,4 triệu đồng tiền điện, cấp phát được 246 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân đạt 29,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,9%. Từ khi thực hiện chương trình NTM xã đã huy động tổng kinh phí là 95,2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa là 31,3 triệu đồng, chiếm 32%.

Dựa trên kết quả tự chấm điểm của xã, huyện Đan Phượng và kết quả đánh giá thực tế của tổ công tác, 2 xã này đủ điều kiện xét đạt chuẩn NTM. Trong đó có xã Thọ Xuân đạt 95 điểm, xã Hồng Hà với 95,2 điểm. 2 xã sẽ được thành phố xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Như vậy sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 02, huyện Đan Phượng đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, huy động được gần 4.500 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Huyện Đan Phượng đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%. Nhiều hộ gia đình hiến đất, góp công, góp của để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Sự cố gắng, nỗ lực đó đã đưa Đan Phượng trở thành huyện dẫn đầu Thành phố về xây dựng nông thôn mới.


Theo Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)