Gia Lâm phấn đấu thêm 6 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2014

Thứ hai, 30/12/2013 15:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2013, nhờ tích cực tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức sáng tạo, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở đã có bước chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm. Công tác xây dựng nông thôn mới ở Gia Lâm nhờ đó cũng đạt được nhiều kết quả, hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Xác định tuyên truyền là khâu quan trọng trong tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của người dân, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo sâu sát và có sự phối hợp với nhiều ban, ngành, đoàn thể. MTTQ và các đoàn thể chính trị của huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, vận động nhân dân và hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới; phát động hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”… Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” tại 203 hội nghị đại biểu nhân dân ở các thôn, làng, xã với 24.200 người tham dự; tổ chức 2 lớp tập huấn trong đó có nội dung xây dựng nông thôn mới cho 380 cán bộ MTTQ các cấp.

Hội Liên hiệp phụ nữ với phong trào “Phụ nữ Gia Lâm chung tay xây dựng nông thôn mới”; 100% hội phụ nữ cơ sở vận động hội viên ký kết thực hiện phong trào 3 sạch “Sạch nhà - Sạch bếp - Sạch ngõ”. Xây dựng chương trình hoạt động đưa nội dung tuyên truyền thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với các hoạt động trọng tâm của Hội năm 2013 như: xây dựng 29 điểm chi hội phụ nữ văn minh, 44 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng…vận động hội viên cơ sở tham gia hiến đất, hiến ruộng làm đường, mương trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện dồn điền đổi thửa.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xã điểm Đa Tốn, 1 trong 15 xã được UBND TP chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới đã đạt 19/19 tiêu chí. Hiện, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan phối hợp rà soát, đánh giá và tham mưu đề nghị Thành phố công nhận Đa Tốn là xã Nông thôn mới.

Về kết quả chung xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện. Đến nay, huyện đã hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch của 20/20 xã. Tỷ lệ đường giao thông được kiên cố hóa đạt 79,28% với 10/20 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí. Tính đến hết năm 2013, đã có 6/19 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thủy lợi. Dự kiến đến hết năm 2013, có 123,4km kênh mương được cứng hóa, đạt tỷ lệ 50% so với nhu cầu. Huyện Gia Lâm đã hoàn thành tiêu chí điện nông thôn, 16/20 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về trường học với 42 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia (60%).

Về cơ sở vật chất văn hóa. Tính đến hết năm 2013, có 7/20 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa với 126 nhà văn hóa/155 thôn/20 xã (81,3%); 13/20 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí chợ nông thôn; Đối với tiêu chí về thu nhập: Tính đến cuối tháng 8/2013, có 15/20 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí thu nhập. Dự kiến, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 của huyện đạt 24,4 triệu đồng. Số hộ nghèo hiện còn 1,8%. Trên địa bàn huyện chỉ còn 2/20 xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo.

Để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, năm 2013, huyện đã tổ chức mở 41 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.357 học viên; phối hợp với Ngân hàng chính sách huyện Gia Lâm triển khai chương trình giải quyết việc làm cho vay với kinh phí 23,2 tỷ đồng. Đến nay, đã giải quyết việc làm cho 8.055 người, bằng 100,7% kế hoạch, trong đó, lao động có việc làm ổn định 3.428 người, lao động có việc làm thời vụ 4.627 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trên 80%.

Về công tác dồn điền đổi thửa, huyện tập trung thực hiện tại 5 xã Dương Quang, Lệ Chi, Kim Sơn, Trung Mầu và Phú Thị. Đến nay, huyện đã phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của 4 xã. Tổng diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa tại 5 xã là 1.460,966 ha, dự kiến hoàn thành trong năm 2013. Đặc biệt, trong dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, phát huy vai trò, chủ thể của người nông dân như tại thôn Kim Hồ, xã Lệ Chi, nhân dân đã hiến trên 9.000m2 đất để làm khu văn hóa, thể thao và nghĩa trang của thôn; đóng góp 20.000 đồng/nhân khẩu để cải tạo đồng ruộng; Thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi nhân dân tự nguyện hiến 25,5m2/nhân khẩu (tổng số 21.000m2) để làm kênh mương, giao thông nội đồng…

UBND huyện đã biết lựa chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Nhờ đó, nhiều nhóm tiêu chí đã đạt tỷ lệ cao như: giao thông nông thôn đạt 79,28%; trường chuẩn đạt 60%, tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn là 83,1%....Nhiều xã đạt kết quả cao trong tổ chức thực hiện như Đa Tốn (đạt 19 tiêu chí), Yên Viên, Bát Tràng đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí…Nhiều xã giai đoạn 1 đạt và cơ bản đạt 15 tiêu chí như Cổ Bi, Kim Lan, Phú Thị…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại Gia Lâm cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Đó là, nguồn vốn thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, số kinh phí đã đầu tư chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn xã hội hóa từ nhân dân và doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Thứ hai, công tác phối hợp giữa các phòng, ban, ngành của huyện có lúc còn thiếu chặt chẽ, nhất là trong hướng dẫn các xã xây dựng đề án, thực hiện các dự án thành phần, thực hiện dồn điền đổi thửa…Những tồn tại này một phần do công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, công tác dồn điền đổi thửa có nơi hiệu quả chưa cao. Một số xã chưa thực sự quyết liệt, tập trung trong chỉ đạo, thực hiện. Ngoài ra, cán bộ xây dựng nông thôn mới từ huyện đến xã đều kiêm nhiệm. Chính sách hỗ trợ cho cán bộ, nhất là cán bộ thôn, xã chưa kịp thời phần nào đã làm ảnh hưởng đến chất lượng chương trình.

Năm 2014, huyện Gia Lâm đặt mục tiêu hoàn thiện và duy trì thực hiện 19 tiêu chí tại 03 xã: Đa Tốn, Bát Tràng và Yên Viên. Phấn đấu có thêm 6 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí: Cổ Bi, Kim Lan, Phú Thị, Ninh Hiệp, Đông Dư, Đình Xuyên.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Gia Lâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về mặt nhận thức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật; vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực đóng góp bằng ngày công, đất đai, vật tư… đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp.

Từng bước hoàn thiện việc cứng hóa kênh mương, giao thông nội đồng tại các diện tích đã thực hiện dồn điền, đổi thửa. Chỉ đạo xây dựng các vùng sản xuất tập trung, vận động nhân dân tích cực thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại sau khi hoàn thành việc dồn điền đổi thửa.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới như phát triển sản xuất, quản lý các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn, bảo vệ môi trường…


Theo Hà Nội Portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)