Tổ chức không gian kiến trúc nông thôn

Thứ tư, 05/07/2017 09:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh có ranh giới hành chính nằm hầu hết trong ranh giới khu di tích lịch sử văn hóa thành Cổ Loa là di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thủ đô Hà Nội, các không gian tự nhiên, các giá trị lịch sử và không gian kiến trúc truyền thống của làng xã Cổ Loa đang đứng trước nguy cơ mai một do sự tác động của cơ chế thị trường, sự thay đổi nếp sống và phương thức sinh hoạt của người dân. Bài viết này trao đổi vài nét về thực trạng biến đổi hình thái kiến trúc trong quá trình đô thị hóa và một vài kiến nghị về việc tổ chức không gian kiến trúc cho điểm dân cư xã Cổ Loa.

1. Thực trạng biến đổi không gian kiến trúc trong quá trình đô thị hóa.

a. Khái quát về điểm dân cư nông thôn xã Cổ Loa.

Những câu chuyện về việc đô thị hóa nông thôn đã không còn là chủ đề mới lạ, nhưng làm thế nào để giữ gìn bản sắc, giá trị nông thôn truyền thống trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ như hiện tại vẫn đang là một nhan đề cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà thiết kế...

Cổ Loa là 1 xã ven đô có lợi thế về vị trí địa lí nằm ở phía Nam của huyện Đông Anh, thuộc vùng có di sản Thành cổ Cổ Loa – di sản cấp quốc gia đặc biệt, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng thuận lợi cho giao lưu với các khu vực kinh tế đang phát triển mạnh như Trung tâm Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…

Không gian xã Cổ Loa được hình thành và phát triển nằm trong quần thể di tích Thành Cổ Loa, được bao bọc bởi hệ sinh thái nông nghiệp và vùng thành hào chạy xung quanh.

Không gian kiến trúc xã Cổ Loa tuy còn giữ được một số nét đặc trưng nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ như: Đường làng, ngõ xóm dạng xương cá, nhà mái ngói 3 gian, tường rào gạch, hồ, ao, cây xanh nhiều năm tuổi, cùng các thiết chế văn hóa như đình, chùa, lăng…Tuy nhiên cảnh quan làng xã Cổ Loa cũng chịu tác động của quá trình đô thị hóa như các làng ven đô, ngoại thành Hà Nội khác, làm cho các không gian kiến trúc làng xã truyền thống bị biến dạng, đánh dấu sự xuất hiện: nhà mái bằng nhiều tầng, kiến trúc cổng làng hiện đại, không còn giếng nước…

Do đặc trưng của địa hình và cấu trúc của 3 vòng tường thành nên ta có thể chia không gian của điểm dân cư xã Cổ Loa làm 3 khu vực chính: Khu vực phân vùng lõi, khu vực phân vùng trung và khu vực phân vùng Ngoại.

b. Thực trạng không gian kiến trúc phân vùng Lõi.

Khu vực này thuộc phần lõi hay ta còn gọi là trung tâm của khu di tích Cổ Loa bao gồm 2 khu dân cư xóm Chợ và Chùa. Với xu thế đô thị hóa ngày càng mạnh và kết hợp với việc phát triển mạnh về dịch vụ tại khu di tích như hiện nay. Sự tác động này đã khiến cho những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại, 3 tầng, mật độ cao xuất hiện, khiến cho đường làng trở thành ngõ hẻm mê lộ, mất đi tính dẫn hướng và cảm giác thôn dã.
Đây là khu vực rất quan trọng trong tổng thể xã Cổ Loa nói chung và khu di tích thành Cổ Loa nói riêng, do vậy để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai cần phải có những giải pháp cải tạo hình thái kiến trúc sao cho phù hợp với tổng thể khu di tích cũng như không đánh mất đi bản sắc vốn có của làng xã truyền thống.

c. Thực trạng không gian kiến trúc Phân vùng Trung.

Khu vực này được giới hạn bởi thành Trung, trừ khi Hình cánh cung được xem như thuộc Phân vùng Lõi. Là một khu vực rộng lớn, có hình móng ngựa. Mật độ di tích thưa hơn, ngoài thành hào thì chủ yếu là di tích đình chùa làng xã.

Đây là khu vực tập trung nhiều cụm làng xóm nhất trong tổng thể xã Cổ Loa, dân cư khu vực phân vùng Trung đa phần vẫn đi theo chiều hướng sản xuất nông nghiệp, không gian ruộng vườn vẫn là màu chủ đạo trong cảnh quan khu vực này. Chính nhờ yếu tố này nên mật độ những ngôi nhà truyền thống đã tăng lên tương đối nhiều so với khu vực phân vùng Lõi. Tuy nhiên, trong khu vực này vẫn còn tồn tại những ngôi nhà có loại hình kiến trúc hiện đại.

d. Thực trạng không gian kiến trúc phân vùng Ngoại và Biên

Đây là khu vực chu vi tính từ hào thành Ngoại trở vào đến ranh giới Phân vùng Trung. Khu vực có phạm vi rộng và có sự thay đổi cảnh quan khác biệt từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây. Ngoài diện tích thành hào và một ố xóm làng lẻ tẻ, đa số phủ bởi đồng ruộng. Đây là khu vực có lối vào cửa Nam, Bắc, Tây Bắc, Tây, Đông trong đó cửa Nam là lối vào chính Khu di tích. Hoạt động chính trong khu vực hiện nay là canh tác nông nghiệp.

Khu vực này gần như chưa chịu tác động bởi quá trình đô thị hóa và hiện chưa có hoạt động xây dựng nào đe dọa phá vỡ cấu trúc khu vực này. Hình thức kiến trúc tại đây vẫn giữ được nét đặc trưng của làng xã truyền thống vốn có.

2. Kiến nghị về việc tổ chức không gian kiến trúc

Như đã đề cập ở trên, Cổ Loa là 1 xã ven đô thuộc huyện Đông Anh với rất nhiều lợi thế về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên cũng có như hệ thống giao thông thuận tiện. Những điều kiện này mang lại cho Cổ Loa rât nhiều tiềm năng phát triển nhưng song hành với nó lại cũng có rât nhiều thách thức được đặt ra.

Dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng cũng như căn cứ theo điều kiện thực tiễn của nông thôn Việt Nam nói chung cũng như tình hình xã Cổ Loa nói riêng, tác giả xin kiến nghị một số giải pháp cho việc tổ chức không gian kiến trúc trong phân vùng Lõi do khu vực này đang chịu tác động của đô thị hóa mạnh mẽ, gây mất đi tính văn hóa truyền thống trong làng xã như sau:

- Áp dụng chính sách “Bảo tồn thích nghi” cho dân cư 2 xóm Chợ và Chùa để chuyển dịch từ nông nghiệp sang kinh doanh du lịch dịch vụ di tích.

- Đề xuất hình thức, hình thái kiến trúc đối với công trình nhà ở kết hợp dịch vụ và buôn bán thương mại:

+ Nhà ở kết hợp thương mại nên tổ chức không gian nhà theo kiểu hình ống, không gian ở tách ra khỏi không gian buôn bán thông qua sân trong và phía sau có vườn rau xanh.

+ Để phù hợp với không gian khu vực phân vùng lõi mà không đánh mất đi tính chất của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ thương mại cần phải được cải tạo hình thái theo hướng kiến trúc nhà dân gian truyền thống, nhằm giữ lại được nét làng quê vốn có của xã Cổ Loa.

+ Vật liệu, màu sắc thiết bị kỹ thuật: Hạn chế dùng vật liệu nhôm, kính, thép với bề mặt lớn, màu sắc không dùng màu cơ bản đối lập với cảnh quan thiên nhiên như: đỏ, đen, lam, da cam…Dùng màu bổ túc theo hướng thiên về màu nâu, xanh lá cây, gạch nung, trắng và vàng đất…Nên tận dụng các màu sắc bề mặt tự nhiên của vật liệu nhất là vật liệu địa phương.

+ Hình thức kiến trúc không dùng hàng rào kín xây gạch cần dùng hàng rào thoáng, gỗ, tre, hoa sắt kết hợp cây, có sân vườn trước nhà là khoảng lùi tối thiểu 3m đối với đường làng và 6m đối với đường ngõ xóm. Có mái dốc kết hợp mái bằng sân thượng, dàn hoa.

+ Đề xuất các loại hình nhà ở chia lô hiện có thì cần cải tạo lại kiến trúc mặt đứng, thay hệ thống cửa kính, cửa gỗ từ hiện đại thành cửa gỗ truyền thống.

+ Đối với các nhà dân gian hiện trạng, cần được giữ nguyên hình thức kiến trúc hiện có nhưng cần phải được cải tạo, chỉnh trang lại với các loại vật liệu truyền thống.

+ Đề xuất hạ tầng cao những công trình nhà cao tầng để đảm bảo mỹ quan cho khu vực.

+ Đề xuất điều chỉnh hình thức kiến trúc nhà ở theo mô hình tương hợp với kiểu nhà dân gian truyền thống, nhưng nội thất bên trong vẫn theo loại hình kiến trúc hiện đại để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thời kỳ hiện đại này.

3. Kết luận

Hệ quả của việc phát triển quá nhanh của Thành phố Hà Nội đã dẫn tới sự phát triển theo chiều hướng xấu cho không gian lịch sử văn hóa, không gian tự nhiên và đặc biệt là không gian kiến trúc của làng xã Cổ Loa. Do vậy, việc đặt ra vấn đề giải quyết không gian kiến trúc là vấn đề xác đáng trong bối cảnh hiện tại.

Trước mắt, để giải quyết không gian kiến trúc cho điểm dân cư xã Cổ Loa, bài viết này kiến nghị một số giải pháp cơ bản về việc tổ chức lại không gian sống bên trong cũng như cải tạo hình thức bên ngoài cho các loại hình kiến trúc hiện đại đang gây mất mỹ quan, mất đi vẻ nông thôn truyền thống. Hy vọng thời gian tới, trong quá trình đô thị hóa vẫn mạnh mẽ như vậy giải pháp này có thể giúp ích cho việc phát triển của điểm dân cư xã Cổ Loa.

 
Nguồn: Tạp chí Vật liệu Xây dựng, Số 5/2017

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)