Đảm bảo nguyên tắc an toàn và hiệu quả
Hợp đồng EPC là sự thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa chủ đầu tư hoặc đại diện đúng thẩm quyền của chủ đầu tư với nhà thầu để thực hiện toàn bộ các công việc của một dự án đầu tư xây dựng hoặc một gói thầu từ thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật, thi công xây dựng công trình đến vận hành đồng bộ và bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Để hợp đồng EPC đi vào thực tế được hiệu quả thì nguyên tắc áp dụng cần căn cứ vào đặc điểm, tính chất và quy mô của từng dự án, gói thầu EPC và các quy định của pháp luật, người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức hợp đồng EPC cho các dự án, gói thầu xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng.
Hợp đồng EPC chỉ áp dụng đối với các dự án, gói thầu cần rút ngắn thời gian thực hiện. Những dự án, gói thầu xây dựng có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ và phải đảm bảo tính đồng bộ từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình đến khâu đào tạo vận hành, chuyển giao công trình.
Việc áp dụng, quản lý thực hiện hợp đồng EPC phải phù hợp với các quy định của pháp luật.
Bên nhận thầu thực hiện hợp đồng EPC phải có đủ điều kiện về kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực hành nghề và năng lực hoạt động đối với toàn bộ phạm vi công việc cần thực hiện của hợp đồng EPC gồm năng lực về: thiết kế, cung cấp thiết bị, cung cấp dịch vụ đào tạo, vận hành, chuyển giao công nghệ, thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và các yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Bên nhận thầu không được giao thầu phụ quá 60% khối lượng công việc thuộc phạm vi hợp đồng EPC. Việc quản lý chi phí hợp đồng EPC không được vượt giá hợp đồng EPC đã ký kết theo đúng các thảo thuận trong hợp đồng. Hồ sơ thiết kế của các dự án, gói thầu áp dụng hợp đồng EPC phải đáp ứng yêu cầu tại khoản 1 Điều 54 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Bên nhận thầu phải đủ năng lực hành nghề
Để ký kết hợp đồng EPC được hiệu quả, trong quá trình chuẩn bị, ký kết và thực hiện hợp đồng khuyến khích bên nhận thầu đề xuất các sáng kiến, biện pháp hoặc vận dụng kinh nghiệm của mình để hoàn thành các công việc theo hợp đồng nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ, mục tiêu, yêu cầu và nâng cao hiệu quả của dự án, gói thầu.
Hợp đồng EPC chỉ được ký kết khi bên nhận thầu thực hiện hợp đồng EPC phải có đủ năng lực hoạt động, năng lực hành nghề theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Cụ thể, bên nhận thầu có đăng ký kinh doanh phù hợp với nội dung công việc gói thầu. Trường hợp bên nhận thầu liên danh thì phải có thỏa thuận liên danh, trong đó phải có một nhà thầu đại diện liên danh đóng vai trò là nhà thầu đứng đầu liên danh, chịu trách nhiệm chung và phải có cam kết thực hiện công việc theo phân giao trách nhiệm giữa các nhà thầu. Từng nhà thầu trong liên danh phải có đăng ký kinh doanh phù hợp với công việc được phân giao.
Ngoài ra, bên nhận thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công việc theo hợp đồng EPC như: có kinh nghiệm về thiết kế; có khả năng, kinh nghiệm làm nhà thầu xây dựng các dự án, gói thầu với yêu cầu kỹ thuật và quy mô tương đương. Trong cơ cấu tổ chức của các bên nhận thầu có các đơn vị đầu mối về tư vấn thiết kế, gia công chế tạo, cung ứng vật tư, thiết bị và thi công xây dựng; có khả năng đáp ứng được yêu cầu tài chính của dự án, gói thầu và chứng minh được khả năng huy động để thực hiện hợp đồng EPC.
Việc thương thảo và ký kết hợp đồng EPC được căn cứ vào các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu được duyệt hoặc văn bản chỉ định thầu của cấp có thẩm quyền. Thời gian tiến hành thương thảo và ký kết hợp đồng phải phù hợp với tiến độ chung, đảm bảo hiệu quả thực hiện dự án.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ những hợp đồng EPC đã ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo các quy định về hợp đồng xây dựng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và các thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký.
Các hợp đồng EPC đang trong quá trình đàm phán, chưa được ký kết nếu có nội dung nào chưa phù hợp với quy định tại Thông tư này thì báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng và không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Nội dung về hợp đồng EPC trong các hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã phê duyệt nhưng chưa phát hành nếu có nội dung nào chưa phù hợp với quy định tại Thông tư này thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp; trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, nếu có thay đổi nội dung liên quan đến hợp đồng cho phù hợp với các quy định của Thông tư này, thì phải thông báo cho tất cả các nhà thầu đã mua hồ sơ dự thầu, hồ sơ yêu cầu biết để điều chỉnh các nội dung của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cho phù hợp; trường hợp đã đóng thầu thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.
Những nội dung khác về hợp đồng EPC không hướng dẫn tại Thông tư này, thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, Thông tư số 08/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng tư vấn xây dựng và Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2017.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Thông tư 30/2016/TT-BXD.