Theo đó, căn cứ nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét và quyết định mức cho vay, nhưng không vượt quá 15 triệu đồng/hộ gia đình với lãi suất cho vay là 3%/năm. Thời hạn cho vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc, lãi là 5 năm tính từ thời điểm hộ gia đình bắt đầu nhận khoản vốn vay đầu tiên.
Hộ gia đình vay vốn thực hiện trả nợ gốc, lãi vốn vay từ năm thứ 6. Mức trả nợ mỗi năm tối thiểu bằng 20% tổng số vốn đã vay.
Thông tư nêu rõ, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay.
Trường hợp thực hiện theo phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, cơ chế ủy thác cho vay được thực hiện như cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg gồm: 50% do ngân sách trung ương cấp; 50% do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2014.
Hộ gia đình được hỗ trợ theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg phải có đủ các điều kiện sau: a- Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định này có hiệu lực thi hành tối thiểu 2 năm; b- Chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà; c- Hộ không thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. |
Theo Chinhphu.vn