Cụ thể, vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Kiến trúc cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với yêu cầu kiến trúc đô thị.
Bên cạnh đó, đường và bãi đỗ xe dành cho xe ra vào mua hàng và nhập hàng phải đảm bảo: Chiều rộng 1 làn xe đi trong bãi đỗ xe không nhỏ hơn 3,5 m; đường 2 làn xe đi không nhỏ hơn 6,5 m; bãi đỗ xe để xuất, nhập xăng dầu không được phủ bằng vật liệu có nhựa đường.
Quy định cũng nêu rõ cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với công trình xây dựng khác thì phải có tường bao kín có chiều cao không nhỏ hơn 2,2 m bằng vật liệu không cháy. Đối với các hạng mục công trình dân dụng và các công trình xây dựng khác ngoài cửa hàng (không bao gồm nơi sản xuất có phát lửa hoặc tia lửa và công trình công cộng) có bậc chịu lửa I, II, trường hợp mặt tường về phía cửa hàng xăng dầu là tường ngăn cháy thì không yêu cầu khoảng cách an toàn từ hạng mục đó đến tường rào cửa hàng xăng dầu phải tuân thủ các quy định về xây dựng hiện hành.
Bộ Công Thương cũng quy định kết cấu và vật liệu cho khu bán hàng và các hạng mục xây dựng khác phải có bậc chịu lửa I, II theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Tương tự, khu vực đặt cột bơm xăng dầu nếu có mái che bán hàng thì kết cấu và vật liệu mái che cũng phải có bậc chịu lửa I, II theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Chiều cao của mái che bán hàng từ 4,75 m trở lên.
Nếu có gian bán khí dầu mỏ hóa lỏng đóng chai trong khu vực cửa hàng, phải tuân thủ quy định về yêu cầu an toàn tại TCVN 6226:2011 Cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) – Yêu cầu chung về an toàn.
Không được lắp đặt bể chứa xăng dầu nổi trên mặt đất
Về bể chứa xăng dầu, Bộ Công Thương quy định, vật liệu làm bể chứa xăng dầu là vật liệu chịu xăng dầu và không cháy.
Đồng thời, không được lắp đặt bể chứa xăng dầu nổi trên mặt đất; không được lắp đặt bể chứa xăng dầu và hố thao tác trong hoặc dưới các gian bán hàng. Khi lắp đặt bể chứa xăng dầu phải tính đến khả năng bị đẩy nổi và phải có biện pháp chống nổi bể; xung quanh bể chứa phải phủ cát hoặc đất mịn với độ dày không nhỏ hơn 0,3 m...
Bộ Công Thương cũng nêu rõ yêu cầu đối với cột bơm xăng dầu như: Cột bơm phải được đặt tại các vị trí thông thóang, nếu cột bơm đặt trong nhà, phải đặt trong gian riêng biệt, có biện pháp thông gió và có cánh cửa mở quay ra ngoài. Đồng thời, phải đảm bảo các phương tiện có thể dừng đỗ để hàng dọc theo cột bơm và không làm cản trở các phương tiện giao thông khác ra, vào cửa hàng.
Bên cạnh đó, cột bơm phải được đặt trên đảo bơm. Đảo bơm phải có cao độ cao hơn mặt bằng bãi đỗ xe ít nhất 0,2 m, chiều rộng đảo bơm không được nhỏ hơn 1 m; đầu đảo bơm phải cách mép cột đỡ mái che bán hàng hoặc cột bơm ít nhất 0,5 m…
Đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy
Bộ Công Thương nêu rõ, tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy ở các vị trí dễ thấy, có biển cấm lửa và hiệu lệnh báo cháy.
Cửa hàng xăng dầu phải được trang bị đủ số lượng phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp quy định.
Theo Bộ Công Thương, có thể căn cứ vào tính chất nguy hiểm cháy của các chất, vật liệu trong từng hạng mục của cửa hàng xăng dầu để bố trí phương tiện chữa cháy phù hợp. Các phương tiện chữa cháy phải đảm bảo chất lượng và việc bố trí các dụng cụ này phải đảm bảo dễ thấy, dễ lấy sử dụng, không cản trở lối thoát nạn, lối đi và các hoạt động khác, tránh mưa nắng và phá hủy môi trường.
Trong thời gian gần đây, nhiều vụ cháy, nổ đã xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là những vụ việc liên quan đến xăng dầu, trong đó vụ cháy xe chở xăng tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội (ngày 3/6 vừa qua). Toàn thành phố Hà Nội hiện nay có 489 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Qua kiểm tra, đánh giá của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, hiện vẫn còn 117 cửa hàng xăng dầu chưa bảo đảm các quy định của Luật. Những vi phạm quy định cũng đa dạng, có cửa hàng vi phạm quy định về khoảng cách an toàn; có cửa hàng thì chưa chấp hành đúng các quy định về phòng cháy tại chỗ như trang bị bình chữa cháy, thùng cát, biển báo hiệu, biển cảnh báo... Đặc biệt, hiện có tới 65 cửa hàng không đảm bảo an toàn về khoảng cách nên cần phải di dời; 52 cửa hàng khác cần phải cải tạo, sửa chữa mới có thể đáp ứng được đầy đủ các quy định phòng cháy chữa cháy. Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 514 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Phần lớn các đơn vị này đều thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, trong số đó có 107 cửa hàng được xây dựng trước năm 1975 và một số cửa hàng có trước khi ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng và kinh doanh xăng dầu như: khoảng cách an toàn từ cửa hàng xăng dầu đến lộ giới, công trình công cộng đông người, đường dây điện, các quy định về đảm bảo an toàn tại chỗ... nên không đáp ứng được yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy hiện hành. |
Theo Chinhphu.vn