Thông tư Ban hành Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia đối với nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai; Khoan đào đường hầm; Phân tích Cơ lý – hóa xi măng

Thứ ba, 09/09/2014 15:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 29/8, Bộ Xây dựng đã có Ban hành Thông tư 13/2014/TT-BXD về việc ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia đối với các nghề: Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai; Khoan đào đường hầm; Phân tích Cơ lý – hóa xi măng.

* Khoan đào đường hầm là nghề chuyên đào, xây dựng các công trình ngầm trong lòng đất, tạo thành hệ thống các đường hầm, các công trình phục vụ cho việc khai thác khoáng sản, giao thông vận tải, thoát nước và các công trình thuỷ lợi, thủy điện.

Người hành nghề khoan đào đường hầm được bố trí làm việc tại các vị trí như: Đường hầm bằng, hầm nghiêng, giếng đứng.

Nhiệm vụ chính của nghề là: Phá vỡ đất đá và khoáng sản; bốc xúc vận tải đất đá tạo thành khoảng trống của đường hầm, giếng đứng theo ý muốn; Chống giữ, gia cố, duy trì và bảo vệ khoảng trống phục vụ sản xuất; Thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị; Chấp hành các biện pháp an toàn trong thi công.

Để thực hiện nhiệm vụ, người công nhân phải sử dụng các thiết bị chủ yếu gồm: Máy khoan, máy xúc, máy đào, máng cào, băng tải, cùng với các phương tiện an toàn khác.

Công nhân làm việc trong nghề khoan đào đường hầm cần phải có đủ sức khoẻ, thần kinh vững vàng, phản ứng, phán đoán và xử lý nhanh các tình huống sự cố dễ xảy ra như: Bục nước, bục khí, sập đổ đất đá, sập đổ hầm, cháy nổ khí.

* Đối với nghề phân tích Cơ lý - Hóa xi măng là nghề sử dụng các thiết bị, dụng cụ, hóa chất để thực hiện các thí nghiệm phân tích cơ lý và thí nghiệm hóa học nhằm xác định các tính chất kỹ thuật, thành phần hóa học của clinker, xi măng và các loại nguyên, nhiên liệu, phụ gia dùng trong công nghiệp sản xuất xi măng.

Thiết bị, dụng cụ chính dùng trong nghề phân tích Cơ lý - Hóa bao gồm: Hệ thống máy QCX, lò nung, tủ sấy, cân phân tích, cân kỹ thuật, máy nén thủy lực, máy dằn, máy trộn vữa, khuôn đúc mẫu, thiết bị Blaine, dụng cụ Vica và một số dụng cụ chuyên dùng khác.

Người hành nghề phân tích cơ lý - hóa xi măng chủ yếu làm việc trong các phòng thí nghiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu về xi măng. Kết quả thí nghiệm thường đòi hỏi độ chính xác cao, môi trường thực hiện thí nghiệm thường độc hại và tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, dễ gây mất an toàn cho người và thiết bị. Vì vậy, người lao động cần phải có kiến thức nghề nghiệp vững vàng, sâu rộng, có trình độ để nghiên cứu, cải tiến qui trình thí nghiệm mới tiên tiến hơn; có kỹ năng khéo léo để thực hiện chính xác các thao tác thí nghiệm và sử dụng thành thạo các thiết bị, dụng cụ thí nghiệm. Đồng thời, người hành nghề cũng cần có đức tính cẩn thận, cần cù, tỷ mỉ, có sức khỏe tốt, có phản xạ nhanh nhạy để xử lý được các sự cố xảy ra khi thực hiện công việc và thực hiện tốt các nội qui an toàn, vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường nơi làm việc.

* Đối với nghề kỹ thuật sơn mài và khảm trai là một nghề thủ công truyền thống được phát triển rộng rãi trên khắp các vùng miền trong phạm vi toàn quốc. Người thợ có thể làm nghề tại gia đình, trong nhà, trong lán xưởng, nhà máy, xí nghiệp...

Các nhiệm vụ của nghề bao gồm: Định hướng sản phẩm; Chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu sơn mài;Chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu khảm trai; Làm vóc sơn mài trên gỗ; Làm vóc sơn mài trên giấy các tông bồi hồ; Vẽ sơn mài truyền thống; Vẽ tranh trang trí trên nền sơn mài; Sơn mài trên kim loại; Vẽ sơn mài khác; Khảm hoạ tiết trang trí nổi trên nền sơn mài; Khảm hoạ tiết trang trí chìm trên nền sơn mài; Khảm chìm hoa văn trang trí trên nền gỗ; Khảm chìm hoa lá, cây cảnh trên nền gỗ; Khảm con giống trên nền gỗ; Khảm nổi trên nền gỗ; Khảm kiến trúc trên nền gỗ; Khảm người trên nền gỗ; Trang sức sản phẩm khảm trai; Phân loại đóng gói sản phẩm; Quản lý sản xuất.

Công việc của người thợ trong nghề tuy không nặng nhọc, nhưng môi trường làm việc thường tiếp xúc với bụi và hoá chất, họ có thể làm việc ở một số vị trí như: Công nhân sơn mài và khảm trai; Kỹ thuật viên trang trí nội ngoại thất; Kỹ thuật viên bảo tồn và tu bổ các di tích cổ; Giáo viên giảng dạy nghề sơn mài và khảm trai; Tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm sơn mài và khảm trai.

Dụng cụ chủ yếu là các dụng cụ thủ công gồm: Dụng cụ đánh sơn, dụng cụ đựng sơn, thép quét sơn, dao trổ, mo sừng, bay xương, bút lông, đá mài, dao băm, đục chạy, đục bạt, đục sấn, đục xén tăm, dao tách nét, cưa cắt trai, thiết bị ép phẳng vật liệu vỏ trai…. Kết hợp với một số máy móc chuyên dùng như: các loại máy mài, máy phun sơn, máy đột đập vỏ trai. Nhà xưởng, buồng ủ sơn, kho để chứa đựng và bảo quản sản phẩm...

Nguyên vật liệu chính gồm: Vật liệu vỏ trai, vỏ ốc, cửu khổng, sơn ta, dầu trẩu, nhựa thông, bột mầu, bột phù sa, bột than xoan, dầu hoả, keo, sơn gắn, véc ny, giấy nhám, bột gắn và các loại sơn khác…

Sản phẩm chính của nghề gồm: tranh sơn mài mỹ nghệ truyền thống, tranh sơn mài nghệ thuật; tranh khảm trai... phục vụ cho việc trang trí nội ngoại thất, trang trí các đồ dùng dân dụng trong nước và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2014.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Thông tư 13/2014/TT-BXD.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)