Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Nhà ở

Thứ ba, 25/10/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng nay 24/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Quốc hội làm việc tạo Hội trường, thảo luận về Dự án Luật Nhà ở.Quốc hội đã nghe ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đọc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở.

Đại biểu Trần Thị Thanh Huyền đoàn Thanh Hoá phát biểu ý kiến

Dự án Luật Nhà ở được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, các vị đại biểu Quốc hội đã cho nhiều ý kiến và các nội dung của Dự thảo luật. Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu nghiên cứu, chỉnh lý và sau đó dự thảo Luật này đã đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu chuyên trách và gửi đến các đại biểu Quốc hội để tiến hành thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội.
Vấn đề giấy chứng nhận quyền nhà ở được đa số đại biểu thảo luận trong sáng nay. Các đại biểu Trần Thị Thanh Huyền đoàn Thanh Hoá, Đỗ Phương Thảo đoàn Hải Phòng, Lê Minh Hồng đoàn Ninh Bình, Huỳnh Thị Dã Thanh đoàn Ninh Thuận, Đào Xuân Nay đoàn Bình Thuận và đại biểu Nguyễn Bá Thanh đoàn Đà Nẵng đều cho rằng, đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết để Nhà nước công nhận quyền sở hữu cho các chủ thể, tạo lập nhà ở hợp pháp. Các đại biểu cơ bản tán thành với hướng giải quyết như dự thảo Luật đã nêu. Đó là, nếu chủ sở hữu nhà cũng là chủ sở hữu đất; chủ sở hữu căn nhà chung cư thì nên cấp một giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở. Nếu quyền sở hữu nhà nhưng không là quyền sở hữu đất hoặc ngược lại thì nên cấp riêng cho từng loại sở hữu.
Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, vấn đề không phải chỉ ở việc cấp 1 hay 2 giấy chứng nhận quyền sở hữu mà cơ bản là phải tạo ra thủ tục hành chính không gây khó khăn cho dân trong việc làm thủ tục. Các đại biểu cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở phải do cơ quan Nhà nước, không nên uỷ nhiệm cho một cơ quan chuyên môn hoặc một tổ chức hành chính công nào đó. Bởi vì giấy chứng nhận nhà ở là sự công nhận quyền sở hữu đối với tài sản có giá trị lớn của công dân và là cơ sở cho nhà nước quản lý, xử lý trong các trường hợp có khiếu kiện khi có tranh chấp xảy ra. Theo đó, UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho tổ chức, UBND cấp huyện cấp giấy quyền sở hữu nhà ở cho cá nhân. Về chính sách phát triển nhà ở, hầu hết các chính sách đều tán thành với quy định của Dự thảo. Các đại biểu cho rằng, quy định như trong Dự thảo Luật là khá cụ thể, thể hiện tính công khai, minh bạch trong chính sách phát triển nhà ở. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc phát triển nhà ở phải đảm bảo quy hoạch, kiến trúc, hướng tới mục tiêu thẩm mỹ, đa dạng về kiểu dáng, kết hợp hài hoà giữa kiến trúc hiện đại với bản sắc văn hoá truyền thống, phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc.
Đóng góp ý kiến tại Hội trường, đại biểu Đào Xuân Nay đoàn Bình Thuận đề nghị, các chính sách về phát triển nhà ở cần phải thực hiện đồng bộ, nhất quán trong quá trình thực hiện Luật đề Luật đi vào cuộc sống. Mặt khác, đối với các gia đình, cá nhân dù là ở đô thị nhưng vẫn còn nhiều hộ gặp khó khăn về nhà ở, Nhà nước cũng phải thực thi chính sách tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi để họ có điều kiện cải thiện chỗ ở. Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, phát triển nhà ở, một số đại biểu cơ bản nhấn trí với quy định nêu trong Dự án Luật. Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Huyền đoàn Thanh Hoá cho rằng, số lượng nhà bán, nhà cho thuê trong trường hợp cụ thể là có hạn, người mua thì đông, như vậy cầu lớn hơn cung, sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ nhà. Vì vậy, để đảm bảo công bằng, minh bạch đối với mọi cá nhân, tổ chức muốn phát triển nhà thương mại và người mua nhà, các đại biểu đề nghị phải công khai quy hoạch chi tiết của dự án về số lượng nhà bán, cho thuê, giá bán... Về trách nhiệm của gia đình và hộ cá nhân trong phát triển nhà riêng lẻ, Dự án Luật quy định: hộ gia đình và cá nhân phải đóng góp kinh phí để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật chung do UBND cáp tỉnh quy định. Đại biểu Lê Minh Hồng đoàn Ninh Bình cho rằng, quy định như vậy là hơi cứng nhắc, gò bó và không đúng với Luật tổ chức HĐND và UBND bởi vì UBND không có quyền đề ra tu bổ đối với dân. Như vậy, dễ dẫn đến tình trạng Luật không khả thi hoặc dễ phát sinh nhiều khoản tu bổ quá khả năng đóng góp của dân, nhất là những vùng nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.
Vì thế, Dự thảo Luật nên sửa lại theo hướng hộ gia đình hoặc cá nhân có để đóng góp một phần kinh phí hoặc ngày công theo khu dân cư bàn bạc thống nhất, trên cơ sở Nghị quyết của HĐND và hướng dẫn của UBND cấp tỉnh. Quy định này vừa phù hợp với quy chế dân chủ ở cở sở, vừa phù hợp với Luật tổ chức HĐND và UBND và khả năng đóng góp của người dân ở từng địa bàn khác nhau. Trong buổi thảo luận sáng nay, các đại biểu còn đóng góp về các vấn đề như: bổ sung quỹ phát triển nhà ở từ nhiều nguồn vốn khác nhau; các hình thức giao dịch về nhà ở và một số điều khoản cụ thể trong Dự án Luật.
Chiều nay 24/10, Dự án về Luật Nhà ở sẽ được Quốc hội dành một phần thời gian tiếp tục thảo luận tại Hội trường.

Nguồn tin: VOV
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)