Dự án này đã được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp trước. Tuy nhiên, đến kỳ họp này vẫn còn có ý kiến băn khoăn rằng phạm vi điều chỉnh của Luật là hoạt động đầu tư xây dựng (như dự án Luật hiện hành) hay dự án Luật chỉ điều chỉnh hoạt động xây dựng như là một hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, để tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của một số luật khác như Luật đầu tư, dự án Luật đầu tư công…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số đại biểu góp ý đồng tình với phương án đầu tiên và việc thảo luận tại Hội trường cũng nghiêng về phương án là điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến đại biểu cũng đồng tình quy định quy hoạch xây dựng trong dự án Luật. Theo đó, Quy hoạch xây dựng được lập choVùng; Đô thị (được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị); Khu chức năng đặc thù; Nông thôn.
Đại biểu Phạm Văn Cường (tỉnh Lào Cai) cho biết việc tham gia xây dựng, giám sát quy hoạch xây dựng trong dự án Luật đã làm rõ chức năng của Hội đồng nhân dân các cấp.
”Tuy nhiên khi cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng thì nên phải trình Hội đồng nhân dân các cấp thông qua chứ không phải chỉ là báo cáo Hội đồng nhân dân để tránh tiêu cực, lợi ích nhóm”, ông Cường kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) thì nêu: "Quy hoạch xây dựng chỉ điều chỉnh khi thay đổi về địa lý, tự nhiên, dân số, kinh tế, xã hội là còn chung chung vì sự thay đổi đó cụ thể như thế nào, đến đâu để điều chỉnh thì chưa xác định. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ sự thay đổi trên chứ nếu áp dụng thì điều chỉnh không chính xác”.
Đại biểu Quang cũng cho rằng bên cạnh quy định thẩm quyền quyết định Quy hoạch xây dựng thì dự án Luật cũng phải bổ sung quy định trách nhiệm người phê duyệt để xử lý nếu có sai sót trong thực thi sau này.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Minh Quang kiến nghị dự Luật tiếp tục bỏ giấy phép xây dựng ở các trường hợp như công trình khu đô thị, khu công nghiệp công nghệ cao… đã có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch 1:500.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải băn khoăn việc giữ quy định về quy hoạch xây dựng trong dự án Luật khi cho rằng trước đây Bộ Xây dựng đã trình bày rất thuyết phục việc tách nội dung quy hoạch đô thị trong Luật Xây dựng thành Luật quy hoạch đô thị (năm 2010 - PV). Do vậy, “phải chăng Luật Xây dựng hiện hành không còn khả năng quy định về quy hoạch”, đại biểu Hải nêu.
Đồng thời, đại biểu này đặt câu hỏi: “Liệu Bộ Xây dựng có tiếp tục làm như thế đối với các quy hoạch khác trong dự thảo thành Luật quy hoạch về vùng, Luật quy hoạch về nông thôn, Luật quy hoạch về vùng chức năng đặc thù?”; và Bộ Xây dựng xem xét lại việc quy định về quy hoạch xây dựng trong dự án Luật xây dựng (sửa đổi) vì không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đi vào những nội dung cụ thể hơn, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (tỉnh Ninh Thuận) cho rằng luật đã quy định về cốt xây dựng nhưng việc thực thi còn buông lỏng dẫn đến tình trạng đường xá liên tục được nâng cao khiến nhà dân thấp hơn mặt đường, dẫn đến tình trạng ngập úng hay hạn hán ở một số nơi.
Đại biểu kiến nghị dự án Luật phải xác định rõ trách nhiệm phê duyệt cốt xây dựng của cá nhân có thẩm quyền ở các cấp để nâng cao ý thức thực hiện theo quy hoạch và các chỉ số kỹ thuật đã được phê duyệt.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ biểu quyết để thông qua dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).
Theo : chinhphu.vn