Cấu trúc chùm đô thị - giải pháp quan trọng trong quy hoạch chung Hà Nội
Tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống đô thị Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô. Trong đó, khu vực đô thị trung tâm gồm khu vực nội đô lịch sử và các khu vực liền kề.
Một gócTừ những kinh nghiệm của quá trình phát triển đô thị ở Hà Nội cho thấy, cần chú trọng đến giai đoạn thực hiện quy hoạch. Ảnh: VGP/Thùy Chi
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, áp dụng mô hình chùm đô thị là để tạo thêm một số cực tăng trưởng, giảm áp lực vào đô thị trung tâm về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao..., đặc biệt là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái.
Nhìn xa hơn, đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả già hóa dân số. Cụ thể, đô thị Hòa Lạc là đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo, hình thành từ hơn 20 năm với tiềm năng khoảng 18.000ha đất xây dựng đô thị, khả năng dung nạp 0,5 triệu người. Đây còn là cửa ngõ phía Tây Thủ đô kết nối với vùng.
Đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng. Với đặc thù của Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, cảnh quan thiên nhiên, đây không chỉ là khu du lịch trọng điểm quốc gia, mà còn là trung tâm nghỉ dưỡng, y tế; khả năng khai thác khoảng 4.000ha đất xây dựng, dung nạp được 0,18 triệu người sống ổn định, chất lượng sống cao.
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa. Đây sẽ là nơi hấp dẫn cho di dời công nghiệp trong nội đô, khả năng khai thác khoảng 3.000ha đất xây dựng đô thị, dung nạp khoảng 0,13 triệu người.
Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ và phát triển các khu tiểu thủ công, làng nghề, đang là thế mạnh của TP. Hà Nội. Đô thị này có thể khai thác khoảng 4.500ha đất xây dựng đô thị và dung nạp 0,22 triệu người. Hơn thế, đây còn là cửa ngõ Tây Nam để TP. Hà Nội liên kết với vùng.
Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng không, nghỉ dưỡng, trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Đây là cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, không chỉ liên kết thuận lợi với đô thị trung tâm, với vùng mà còn với hành lang kinh tế xuyên Á: Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh, sẽ là khu du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng hấp dẫn trong nước và quốc tế. Khu vực này có khả năng khai thác hơn 5.500ha đất xây dựng đô thị, dung nạp khoảng 0,25 triệu người.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, ngoài 5 đô thị vệ tinh, còn có khả năng phát triển các thị trấn sinh thái từ hơn 10 thị trấn đã hình thành (Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Chúc Sơn...) và hơn 10 thị trấn mới góp phần tạo nên diện mạo mới về không gian đô thị. Quá trình phát triển hệ thống đô thị của Hà Nội như thế không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội mà còn cả với vùng, tạo điều kiện để hội nhập quốc tế và phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Nhận thức đúng về mô hình chùm đô thị, nhất là 5 đô thị vệ tinh để kế thừa, định hướng phát triển trong quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới gắn với mô hình chính quyền địa phương là cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, từ những hạn chế tồn tại thời gian qua, nên rà soát lại quy mô, khả năng kết nối và nguồn lực, cũng như xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để quy hoạch mới có tính thực tiễn.
Nghiên cứu hình thành mô hình "Thành phố trong Thủ đô"
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội (đơn vị lập Quy hoạch Thủ đô), tại khu vực đô thị trung tâm mở rộng sẽ hình thành các đô thị mới theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) kết hợp phát triển các mô hình "đô thị 15 phút" (người dân có thể tiếp cận các tiện ích thiết yếu trong phạm vi 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp từ nhà); phát triển đô thị sinh thái, chú trọng không gian công cộng, công viên cây xanh, mặt nước, hạn chế mô hình nhà ở phân lô thấp tầng.
Thành phố nghiên cứu hình thành mô hình "Thành phố trong Thủ đô", bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn. Mô hình này được quản lý và phát triển theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đặc thù của đô thị Hà Nội. Quy hoạch định hướng trước mắt hình thành thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây (đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai).
Ngoài ra, nghiên cứu hình thành thành phố tại khu vực Sơn Tây, Ba Vì, là thành phố văn hóa, du lịch và thành phố phía Nam tại khu vực Phú Xuyên, Thường Tín, là thành phố công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để bảo đảm tính thống nhất, nghiên cứu tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cũng đã định hướng phát triển hệ thống đô thị của thành phố Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm. Hệ thống bao gồm: Đô thị trung tâm (đô thị phía Nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm); thành phố phía Bắc; thành phố phía Tây; cùng các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên...
Đánh giá về định hướng này, đặc biệt là mô hình "Thành phố trong Thủ đô", Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho rằng, đây là hướng đi khả thi và hợp lý cho Hà Nội giảm tải áp lực đô thị hóa, cũng như phát huy tiềm năng của các khu vực lân cận.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Tô Anh Tuấn cùng nhận định, cấu trúc chùm đô thị Thủ đô là giải pháp quan trọng trong quy hoạch chung Hà Nội để bảo đảm sự phát triển cân đối, hợp lý cho thành phố, tránh tập trung quá mức vào đô thị trung tâm, giải quyết các vấn đề bức xúc của đô thị, khai thác tiềm năng đất đai, cảnh quan môi trường, văn hóa đa dạng của các khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cân bằng hơn.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc
Nhấn mạnh đến vai trò của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, đô thị này có tiềm năng và lợi thế phát triển nên cần ưu tiên phát triển sớm. Theo hướng này, lộ trình đến năm 2030, cần hình thành các cơ sở hạ tầng cơ bản, đặc biệt là hạ tầng kết nối với đô thị trung tâm để phát triển Hòa Lạc, đồng thời chuẩn bị cho các dự án đô thị tiếp theo.
Theo ông Tô Anh Tuấn, phát triển một thành phố mới với dân số khoảng 600.000 người như Hòa Lạc sẽ cần nhiều chục năm và nguồn lực rất lớn. Phát triển cả hệ thống đô thị vệ tinh với dân số khoảng 1,4 triệu người còn đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn hơn nhiều.
Từ những kinh nghiệm của quá trình phát triển đô thị ở Hà Nội cho thấy, cần chú trọng đến giai đoạn thực hiện quy hoạch. Thành phố cần lập chương trình chung về phát triển đô thị bao gồm một số phân kỳ; phát triển tập trung, đồng bộ, dứt điểm từng khu vực, chủ động tổ chức các khu vực ưu tiên đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cần được xem xét, áp dụng tối đa khi phát triển một thành phố mới như Hòa Lạc cũng như các đô thị vệ tinh mới khác.
Theo nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị, để đạt được mục tiêu phát triển đô thị cân đối, đồng bộ trong từng giai đoạn, hoàn thiện, dứt điểm theo từng khu vực, khắc phục các hạn chế trong phát triển đô thị còn phân tán, thành phố cần có phương thức điều hành, tổ chức phát triển đô thị chủ động.
Trước mắt, thành phố có thể xác định một số khu vực ưu tiên tập trung đầu tư trong từng phân kỳ quy hoạch. Tại đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án đô thị. Các dự án này cần bảo đảm tiếp giáp, liền khoảnh, phủ kín khu vực ưu tiên đầu tư và có thời hạn thực hiện tương đối đồng bộ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực ưu tiên do thành phố kêu gọi, một mặt được hưởng các cơ sở hạ tầng đã chuẩn bị, mặt khác được hưởng các chính sách, cơ chế ưu đãi hơn so với dự án đầu tư ngoài khu vực ưu tiên.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tạo sự phát triển đột phá nhờ thu hút doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài bố trí cơ sở sản xuất, nghiên cứu, dành nguồn lực, tập trung phát triển các khu vực xây dựng đô thị.
Trong đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc theo Quy hoạch chung để tiến tới hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là Đông Anh trong giai đoạn đến năm 2045. Đồng thời, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành thành phố phía Tây Thủ đô.