Hiện nay, không gian ngầm của đô thị cần phải được quản lý và sử dụng có hiệu quả và để bảo đảm rằng không gian ngầm của Hà Nội có thể được khai thác một cách bền vững, việc xây dựng khung chính sách quy hoạch và các nguyên tắc pháp lý rõ ràng là điều cần thiết.
Việc phát triển không gian ngầm đô thị ngày càng được Hà Nội chú trọng. Ảnh minh họa
Không gian ngầm cần được quản lý, khai thác hiệu quả
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế không ngừng trong những năm gần đây, quy mô xây dựng đô thị của Hà Nội cũng không ngừng mở rộng, mức độ đô thị hoá không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, khi đất xây dựng ngày càng giảm, giao thông trở nên tắc nghẽn và chất lượng môi trường ngày càng đi xuống. TP. Hà Nội đang phải đối mặt với áp lực tăng về nhiều phương diện. Vì vậy, việc phát triển không gian ngầm đô thị được chú trọng nhiều hơn.
Thông qua sự tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây, TP. Hà Nội đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc sử dụng không gian ngầm như tầng hầm nhà cao tầng, tuyến ống cáp điện ngầm và hệ thống thoát nước thải ngầm, và cũng bắt đầu xây dựng những tuyến tàu điện ngầm đầu tiên (Tuyến tàu điện ngầm số 3: Nhổn – Ga Hà Nội) và định hướng sử dụng không gian ngầm với mục đích phát triển đô thị theo hình thức TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm).
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm.
Đối với Hà Nội, Thủ đô có nhiều thuận lợi, đặc biệt là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt "Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" (Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 15/3/2022).
Mặc dù vậy, thực tế chứng minh, Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển không gian ngầm nhằm chia sẻ "gánh nặng" với hạ tầng mặt đất do nhiều yếu tố. Trong đó nổi bật là điều kiện dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn thiếu; thể chế, chính sách, pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch chưa đầy đủ; thiếu các hướng dẫn, quy định, tiêu chuẩn quy hoạch không gian ngầm, các quy định sở, ban ngành liên quan...
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô và các quy định liên quan đến quản lý không gian ngầm đòi hỏi phải xem xét một cách nghiêm túc nhiều vấn đề quan trọng, từ quyền sở hữu, quản lý, đến các yếu tố kỹ thuật như phân tầng độ sâu sử dụng và tính liên kết giữa không gian ngầm và trên mặt đất.
Tại London, quyền sở hữu mặt đất đồng thời bao trùm cả không gian ngầm theo nguyên tắc "từ thiên đường đến địa ngục", mặc dù có ngoại lệ đối với các tài nguyên khoáng sản như than, dầu, khí đốt.
Trong khi đó, Nhật Bản áp dụng một hệ thống linh hoạt hơn, nơi các nhà phát triển có thể khai thác không gian ngầm từ độ sâu 40m trở xuống mà không cần xin phép chủ sở hữu mặt đất.
Singapore cũng áp dụng giới hạn độ sâu 30m, nhằm thúc đẩy việc khai thác không gian ngầm mà không ảnh hưởng đến quyền sở hữu mặt đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình ngầm như đường tàu điện ngầm và hệ thống thoát nước.
Tại Hà Nội, vấn đề quyền sở hữu không gian ngầm cần được làm rõ để tạo điều kiện cho quá trình quy hoạch và phát triển bền vững.
Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, không gian ngầm có thể khai thác theo ba lớp: lớp nông (0-5m) cho các hạ tầng kỹ thuật, lớp trung bình (5-15m) cho công trình công cộng và bãi đỗ xe, và lớp sâu (15-30m) cho các hệ thống giao thông ngầm.
Quy hoạch theo từng lớp này không chỉ bảo đảm quyền lợi cho các chủ sở hữu mặt đất mà còn tối ưu hóa sử dụng không gian ngầm cho các mục tiêu phát triển lâu dài của đô thị…
Cần xây dựng khung chính sách quy hoạch
Chia sẻ về quản lý và sử dụng không gian ngầm đô thị tại Hà Nội, TS. Nguyễn Công Giang, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội đang đối mặt với thách thức trong việc quản lý và sử dụng không gian ngầm trong bối cảnh đô thị ngày càng phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ của không gian ngầm đô thị là tiêu chí cần thiết để đo lường mức độ hiện đại hóa của TP Hà Nội và là xu hướng tất yếu của phát triển đô thị.
Để xây dựng Hà Nội trở thành một Thành phố ngày một hiện đại, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất, thúc đẩy quy hoạch khoa học, sử dụng hợp lý và quản lý tỉ mỉ tài nguyên không gian dưới lòng đất bằng những nỗ lực cụ thể, đồng thời xây dựng quản lý không gian ngầm chất lượng cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Giang, để bảo đảm rằng không gian ngầm của Hà Nội có thể được khai thác một cách bền vững, việc xây dựng khung chính sách quy hoạch và các nguyên tắc pháp lý rõ ràng là điều cần thiết. Những nguyên tắc này bao gồm việc làm rõ quyền sở hữu và sử dụng không gian ngầm, thiết lập các giới hạn độ sâu phù hợp với từng mục đích phát triển, và bảo đảm tính tương thích giữa các mục đích sử dụng khác nhau.
Bên cạnh đó, cần có một kế hoạch dự trữ không gian ngầm cho các nhu cầu phát triển trong tương lai, bao gồm cả không gian ngầm và không gian bề mặt cho các kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Sự phát triển của công nghệ đang giúp các nhà quy hoạch có thể lập kế hoạch trong một môi trường 3D với dữ liệu phong phú, từ đó nâng cao độ chính xác và tối ưu hóa quy hoạch không gian ngầm.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, quy hoạch không gian ngầm có thể đạt tới mức độ chi tiết cao, giúp Hà Nội khai thác hiệu quả tài nguyên này, đồng thời bảo đảm sự hài hòa với các giá trị văn hóa và lịch sử của Thủ đô.
Có thể nhận thấy, quy hoạch hợp lý không gian ngầm đô thị không chỉ có thể đẩy nhanh quá trình phát triển của Thành phố mà còn nâng cao lợi ích kinh tế và xã hội. Do đó, không gian ngầm đô thị phải được phát triển và tận dụng tốt để Thành phố có thể phát triển nhanh hơn và tốt hơn.