Sở Xây dựng kiến nghị UBND Thành phố sớm phê duyệt danh mục văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng, nhà ở. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Kiến nghị sớm phê duyệt danh mục văn bản xây dựng, nhà ở
Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngay sau khi UBND Thành phố ban hành kế hoạch về triển khai Luật Thủ đô, Sở đã quán triệt tới toàn thể lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị, toàn thể công chức, viên chức, đồng thời ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện.
UBND Thành phố giao Sở chủ trì thực hiện 9 nhiệm vụ quy định chi tiết các điều, khoản Luật Thủ đô (trong đó, 5 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố; 4 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố); 3 nhiệm vụ xây dựng Chương trình, Đề án, Danh mục, văn bản cá biệt (trong đó, xây dựng 1 quy định về danh mục thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố; 2 Đề án thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố). Thời điểm ban hành trước ngày 1/1/2025. UBND Thành phố cũng giao Sở phối hợp thực hiện 28 nhiệm vụ.
Căn cứ vào thực tế triển khai nhiệm vụ và tính chất, đặc thù của từng nhiệm vụ tại các điều khoản cụ thể của Luật Thủ đô, Sở Xây dựng kiến nghị UBND Thành phố sớm phê duyệt danh mục văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng, nhà ở để triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Đối với Nghị quyết quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô) hiện nay, nhiệm vụ nêu trên đang áp dụng theo Nghị Quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 của HĐND Thành phố quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính về xây dựng tại các quận thuộc TP. Hà Nội theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô năm 2012.
Tại khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định việc HĐND Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Thành phố (Nội dung Nghị quyết của HĐND căn cứ trên Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính (Hiện nay là Nghị định số 16/2022/NĐ-CP) và áp dụng trên toàn Thành phố).
Trước thực trạng, khó khăn vướng mắc đó, để bảo đảm tính thống nhất trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Sở Xây dựng kiến nghị thời hạn tham mưu Nghị quyết sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022.
Đối với Nghị quyết quy định về danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở, trụ sở trên địa bàn TP. Hà Nội (Quy định chi tiết điểm b khoản 3 Điều 18 Luật Thủ đô). Với nhiệm vụ nói trên có liên quan tới nhiều ngành quản lý. Do đó, cần nhiều thời gian để rà soát, tổng hợp phục vụ xây dựng Nghị quyết. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thành phố là phải hoàn thành trước ngày 1/1/2025 sẽ không bảo đảm thời gian, chất lượng để thực hiện.
Từ khó khăn vướng mắc nêu trên, Sở Xây dựng kính đề nghị UBND Thành phố xem xét, cho phép: Sở được thuê đơn vị tư vấn khảo sát, thống kê và lập kế hoạch, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở, trụ sở trên địa bàn TP. Hà Nội; cho phép kéo dài thời gian thực hiện trong năm 2025.
Đối với Đề án xác định khu vực cần thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị (Theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Luật Thủ đô), việc "Xác định khu vực cần thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị" là nội dung hoàn toàn mới, chưa có trong các quy định của pháp luật hiện hành (chỉ có khi triển khai thi hành Luật Thủ đô), đồng thời nội dung Đề án này liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn của nhiều sở, ngành khác nhau và không thuộc nhiệm vụ Luật Thủ đô giao ban hành nghị quyết của HĐND Thành phố hay quy định của UBND Thành phố, theo đó cần phải thuê đơn vị tư vấn để điều tra, khảo sát, đánh giá để xây dựng Đề án nên cần phải có thời gian để thực hiện hoàn thành.
Mặt khác, trong quá trình xây dựng Đề án, phải thực hiện các trình tự thủ tục... sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, tiến độ hoàn thành xây dựng Đề án (1/1/2025) cần phải thực hiện điều chỉnh kéo dài thời hạn hoàn thành để đảm bảo đủ thời gian cho Sở Xây dựng chủ trì thực hiện xây dựng, trình ban hành Đề án. Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, Sở đề nghị UBND Thành phố xem xét cho phép Sở được thuê đơn vị tư vấn để xây dựng Đề án và kéo dài thời hạn hoàn thành trong năm 2025 đối với Đề án này.
Chủ động chuẩn bị cho việc triển khai Luật Thủ đô 2024
Còn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, với vai trò là thành viên Tổ Công tác, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, quá trình tham gia báo cáo tổng kết, rà soát, xây dựng Luật Thủ đô 2024, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện các Báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kết quả đối với công tác di dời theo khoản 1 Điều 9 Luật Thủ đô năm 2012, Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã tham gia gần 20 đầu việc trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); tham gia 34 ý kiến, báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh sửa trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã ban hành kế hoạch về việc triển khai khai xây dựng các văn bản, đề án quy định chi tiết Luật Thủ đô và các nội dung khác có liên quan, do Sở được giao thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết, Sở Nội vụ đã ban hành Kế hoạch số 2635/KH-SNV ngày 31/7/2024 về triển khai thi hành Luật Thủ đô, theo các chức năng, nhiệm vụ được giao. Sở Nội vụ đã xác định rõ số lượng văn bản được giao chủ trì, thẩm quyền ban hành, thời hạn hoàn thành dự thảo, thời hạn trình cấp có thẩm quyền thông qua và han hành; số lượng văn bản được giao phối hợp đồng thời phân công cụ thể đến các đồng chí lãnh đạo Sở và các phòng, ban chuyên môn tham mưu triển khai.
Cụ thể, Sở Nội vụ được giao chủ trì tham mưu xây dựng 12 văn bản và phối hợp xây dựng 1 văn bản thi hành Luật Thủ đô… Để tổ chức thực hiện, Sở Nội vụ thành lập 3 Tổ biên tập để xây dựng văn bản thi hành Luật theo các nhóm lĩnh vực gồm: Tổ biên tập lĩnh vực Tổ chức bộ máy; Tổ biên tập lĩnh vực biên chế và Tổ biên tập lĩnh vực chế độ chính sách, thi đua khen thưởng.
Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, Sở đã triển khai các nội dung công việc bám sát theo các Điều 23, Điều 25, Điều 36 Luật Thủ đô 2024. Cùng đó, xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô để đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội; bảo đảm việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án và các nhiệm vụ…
Theo báo cáo của Sở Văn hoá & Thể thao Hà Nội, Sở đã chủ động xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô và phụ lục phân công nhiệm vụ chi tiết, với mục đích tổ chức thi hành Luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các phòng, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thi hành luật.
Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, Sở được giao chủ trì 4 nội dung, phối hợp 4 nội dung. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Sở đã có kế hoạch yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở tham mưu hiệu quả, đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn các nội dung Sở được giao chủ trì nêu trên.
Về phía Sở Tư pháp Hà Nội, Sở sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thủ đô, phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trình UBND TP. Hà Nội ban hành; thời gian hoàn thành trước ngày 1/9/2024.
Ngoài ra, Sở Tư pháp Hà Nội cũng sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thủ đô.
Khẩn trương triển khai để sớm đưa Luật vào cuộc sống
Đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị trong triển khai Luật Thủ đô, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị khẩn trương rà soát các nội dung nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị để triển khai các nội dung liên quan bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
Cùng đó, rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực của đơn vị đang thực hiện hoặc có thể điều chỉnh trong thời gian tới gửi Sở Tư pháp để tổng hợp tổng thể, rà soát văn bản để điều chỉnh. Sau khi thực hiện điều chỉnh xong phải đưa lên hệ thống hóa các văn bản pháp luật để tiện tra cứu.
Nhấn mạnh quản lý nhà nước phải đề xuất, tham mưu, thực hiện chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị đối với các nội dung phối hợp, phải xác định rõ đơn vị chủ trì; đồng thời, quy trình xây dựng văn bản phải chặt chẽ. Trường hợp các bộ phối hợp với các sở ngành, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội sẽ chủ trì họp cùng, bởi đây là trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội.
Cho ý kiến đối với các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nội vụ trong Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh 3 yêu cầu cần quan tâm đưa vào, gồm: Thứ nhất là xây dựng chính sách thu hút nhân tài kèm chế độ đãi ngộ đi kèm; thứ hai là rà soát lại tất cả Nghị quyết HĐND đã ban hành về phân cấp, ủy quyền; thứ ba là công tác thi đua khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với công tác quy hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung một số cơ chế, chính sách mới liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, dẫn đường, kiểm soát.
Do đó, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị Sở Quy hoạch-Kiến trúc cần chủ động rà soát, cập nhật các nội dung có liên quan trong quá trình hoàn chỉnh đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; trong đó lưu ý các nội dung về: quy hoạch đê điều, phòng chống lũ, xây dựng chỉnh trang các khu vực bãi sông, xác định các khu vực TOD, quy hoạch không gian ngầm, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm.
Đối với Sở Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội xây dựng ngay văn bản gửi cho Sở Tư pháp trước 15/8 về danh mục và lộ trình đề xuất để điều chỉnh lại Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND Thành phố. Bên cạnh đó cũng tập trung vào công tác tuyên truyền, cần thiết lập Tổ biên soạn tài liệu gửi cho Sở Tư pháp làm tuyên truyền chung cho Thành phố, kể cả việc tập huấn.
Về các nhóm nhiệm vụ để triển khai thi hành Luật Thủ đô trong lĩnh vực văn hoá thể thao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh yêu cầu tuyên truyền, phổ biến thống nhất về nội dung Luật Thủ đô 2024 trên toàn các đơn vị; rà soát từng lĩnh vực để xác định các nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô 2024 đã thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển. Do đó, các đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao cần tiếp tục chủ động, khẩn trương triển khai để sớm đưa Luật vào cuộc sống một cách hiệu quả, với những sản phẩm cụ thể, thiết thực.