Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng… là thành viên Đoàn giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc làm việc
Về phía tỉnh Khánh Hòa có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND và các sở, ngành liên quan, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn.
Lao động có thu nhập thấp đang dần có nhà ở
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong thời gian qua, việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Trong đó, đã thu hút được ngày càng nhiều các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản thời gian qua đã có bước phục hồi, nhiều dự án phát triển nhà ở, công trình dịch vụ được hình thành, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của Nhân dân.
Quang cảnh cuộc làm việc
Từ năm 2015 đến nay, Khánh Hòa không có dự án nhà ở xã hội xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước, chủ yếu xây dựng bằng vốn ngoài ngân sách và từ doanh nghiệp. Việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tập trung tại các TP. Nha Trang và Cam Ranh. Đến cuối năm 2023 có 15 dự án đưa vào sử dụng với khoảng 3.7831 căn hộ được bàn giao cho khách hàng.
Giai đoạn từ năm 2015 - 2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với dư nợ cho vay các lĩnh vực khác (công nghiệp, thương mại, dịch vụ), bình quân tăng trưởng gần 20%/năm. Trong đó, giai đoạn từ năm 2015 - 2018, dư nợ tín dụng bất động sản tăng trưởng mạnh, bình quân tăng gần 35%/năm. Giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tín dụng bất động sản tăng trưởng thấp, dư nợ cuối năm 2020 chỉ tăng 3,5% so với năm 2019, năm 2021 giảm 0,44% so với năm 2020.
Hiện, trên địa bàn tỉnh chưa có vụ việc phát sinh phải giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhà ở xã hội (các kiến nghị đều được cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét giải quyết kịp thời).
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Xây dựng xây dựng cơ sở dữ liệu về các dự án bất động sản. Sở Xây dựng đã hoàn thành phần mềm dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; tổ chức tập huấn và bàn giao tài khoản cho các địa phương, chủ đầu tư dự án cách sử dụng, cập nhật số liệu lên hệ thống để làm cơ sở quản lý về thị trường bất động sản.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Một số kiến nghị cho rằng, công tác phối hợp xét duyệt các đối tượng đăng ký mua nhà ở xã hội dành cho công nhân của các cơ quan chưa bảo đảm yêu cầu về nội dung và thời gian phối hợp do hồ sơ, thủ tục để chứng minh đủ các điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ. Việc rà soát các đối tượng có nhà ở hay chưa trong giai đoạn này còn nhiều bất cập.
“Tổ chức hội nghị chung cư đạt mức thấp, gây khó khăn trong kinh phí vận hành nhà chung cư; không bảo đảm được kinh phí quản lý vận hành, dễ kéo theo rủi ro về an ninh trật tự, công tác phòng cháy, chữa cháy”, đại diện UBND TP. Nha Trang chia sẻ.
Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở trong các năm qua liên tục tăng so với mặt bằng thu nhập của người dân và giá trị thực bất động sản, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và việc tạo lập nhà ở của phần lớn người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động thu nhập thấp tại thành phố, các khu công nghiệp.
UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị, mặc dù quy hoạch quỹ đất để phát triển nhà ở nhiều nhưng lại thiếu quỹ đất sạch để triển khai Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Ngân sách nhà nước bố trí cho công tác giải phòng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các nhà đầu tư không đáp ứng được các cam kết về việc ứng vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Trung ương, các bộ, ngành liên quan sớm khẩn trương hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn các Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024; ban hành, điều chỉnh các quy định về hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất; quy định rõ các nhà đầu tư dự án bất động sản phải hoàn thành xây dựng xong mới được chuyển nhượng dự án; có chế tài trong việc không đóng kinh phí vận hành, bảo trì nhà chung cư…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu tại cuộc làm việc
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương nhận định, cơ bản các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và UBND TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đều được giải quyết trong các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ghi nhận thêm một số nội dung vướng mắc như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà căn hộ, không tổ chức được hội nghị chung cư lần thứ hai...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại cuộc làm việc
Phát biểu tại cuộc làm việc, đối với các luật chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 1.8 tới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, các cấp chính quyền rất quan tâm về các luật này, do đó UBND tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị công tác triển khai, phổ biến các quy định mới, quy định bổ sung trong các luật này.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận 20 vấn đề về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội được trao đổi giữa Đoàn giám sát và UBND tỉnh Khánh Hòa; Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ trong báo cáo kết quả giám sát.
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TP. Nha Trang sáng 15/7
* Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế và nghe ý kiến doanh nghiệp bất động sản tại Dự án Nha Trang City Central; Khu đô thị VCN Phước Long 2; Khu đô Thị Vĩnh Điềm Trung thuộc TP. Nha Trang và làm việc với UBND TP. Nha Trang.