UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu triển khai đầu tư xây dựng 500 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 theo yêu cầu của Bộ Xây dựng tại Công văn số 788/BXD-QLN ngày 27/02/2024, góp phần hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng 1.500 căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Ngãi tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”; đồng thời, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 882/QĐ-UBND ngày 10/8/2022), hoàn thành các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi kỳ 5 năm và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1392/QĐ-UBND ngày 07/12/2022 và Quyết định 1465/QĐ-UBND ngày 29/12/2023).
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu triển khai đầu tư xây dựng 500 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024, UBND tỉnh ban hành các giải pháp cụ thể sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; xem đây là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế xã hội; là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, công chức có liên quan, của doanh nghiệp và người dân;
- Triển khai thực hiện việc phát triển nhà ở xã hội, đồng bộ với việc thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân;
- Việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp phải được lồng ghép vào quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ,…, gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội;
- Khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội; đảm bảo quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương từng thời kỳ; xem chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương;
- Đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024 đã phê duyệt; khuyến khích, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, thuê, mua nhà ở công nhân để phục vụ nhu cầu cho người lao động của đơn vị;
- Xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ; trên cơ sở đó, yêu cầu, đôn đốc các chủ đầu tư dự án có quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo tiến độ được phê duyệt, đối với các trường hợp chủ đầu tư lựa chọn hình thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021) thì nộp tiền vào ngân sách tỉnh;
- Thực hiện rà soát để cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư, đất đai, xây dựng, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định;
- Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư;
- Tăng cường liên hệ, trao đổi, làm việc để xúc tiến, khai thác nguồn tài chính công đoàn từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và các thiết chế công đoàn để phục vụ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ động đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo kế hoạch phát triển nhà ở đã phê duyệt, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định, đảm bảo triển khai, trong đó quy định cụ thể năng lực, kinh nghiệm, tài chính, chất lượng công trình, kế hoạch triển khai, xác định các mốc thời gian hoàn thành cho từng giai đoạn (giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giai đoạn thi công xây dựng...); tiêu chí về giá bán, cho thuê, thuê mua phù hợp;
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường, tạo điều kiện để các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư phát triển nhà ở xã hội tiếp cận, nắm bắt trong quá trình nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh.