Thành phố biển Tuy Hòa hôm nay
Phú Yên có 9 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 4 địa phương ven biển gồm thị xã Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa, huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu. Xác định trục đô thị ven biển là trục động lực chính, Tỉnh ủy Phú Yên đã có các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động… rất cụ thể để xây dựng, phát triển đô thị ven biển dựa trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương.
Phát triển đô thị ven biển
Nhiều dự án khu đô thị mọc lên ven biển thành phố Tuy Hòa.
Cụ thể như về phía nam, Tỉnh ủy Phú Yên xác định mục tiêu đến năm 2025 xây dựng thị xã Đông Hòa trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2020-2025 đã có Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 18/8/2021 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Phú Yên có 9 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 4 địa phương ven biển gồm thị xã Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa, huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu. Xác định trục đô thị ven biển là trục động lực chính,
Theo đồng chí Trần Văn Tân, Bí thư Thị ủy Đông Hòa, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU, Ban Thường vụ Thị ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất hằng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; chủ động tạo quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm theo hướng hiện đại và đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh, trong đó phù hợp theo quy hoạch của Khu kinh tế Nam Phú Yên vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh. Hay ở cửa ngõ phía bắc, tỉnh Phú Yên cũng có chủ trương đến năm 2025 xây dựng thị xã Sông Cầu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; hướng đến xây dựng một thành phố du lịch-dịch vụ biển, xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, cửa ngõ giao thông phía bắc của tỉnh Phú Yên.
Thị xã Sông Cầu phấn đấu trở thành thành phố du lịch - dịch vụ biển.
Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu cho biết: Để xây dựng, phát triển Sông Cầu trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ngày 18/8/2021 đã ban hành Nghị quyết số 10; Ủy ban nhân dân tỉnh có Chương trình hành động số 05 và Ban Thường vụ Thị ủy Sông Cầu có Chương trình hành động số 15; Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu ban hành Kế hoạch số 88 để triển khai thực hiện Nghị quyết này. Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu hiện đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó xác định có nhóm bốn giải pháp đột phá là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; phát huy lợi thế kinh tế biển, nhất là Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài; tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và phát triển không gian đô thị, xây dựng thị xã Sông Cầu xanh, sạch, đẹp.
Nhiệm vụ giải pháp đột phá
Một góc thành phố biển Tuy Hòa.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tỉnh đã công bố), với mục tiêu phát triển đô thị của Phú Yên đến năm 2030 là xây dựng Phú Yên có chuỗi đô thị ven biển, cơ bản trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển, năng động và đa dạng, là tỉnh phát triển thuộc nhóm trên của các tỉnh có thu nhập trung bình cao của cả nước.
Cụ thể: Phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, tạo ra sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng; phát triển đô thị tập trung, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đô thị phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, có bản sắc, bảo đảm phát triển bền vững…; xây dựng từng đô thị trở thành trung tâm, đầu tàu phát triển kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của từng huyện, từng vùng và cả tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 50%.
Theo ông Lê Tấn Hổ, tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 148/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, với điều kiện phát triển thuận lợi về kinh tế biển của Phú Yên, trục đô thị ven biển, có thể xem đây là trục động lực chính cho việc phát triển Phú Yên, với chuỗi đô thị ven biển Sông Cầu-Tuy An-Tuy Hòa-Đông Hòa, chạy dài gần 189 km, với hơn 50% dân số toàn tỉnh, và có tiềm lực kinh tế đóng góp cho khoảng 3/4 ngân sách của tỉnh.
Trong đó tỉnh Phú Yên xác định: Khu kinh tế Nam Phú Yên (thị xã Đông Hòa) có thể trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, bãi Từ Nham, gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, và khu vực vịnh Vũng Rô có thể trở thành những điểm du lịch mang đẳng cấp quốc tế.
Với quỹ đất ven biển còn dồi dào, nhiều tiềm năng cho phát triển đô thị và dịch vụ, các khu đô thị du lịch sinh thái có thể phát triển dọc theo tuyến đường ven biển và các tuyến đường nối từ Quốc lộ 1 đến các tuyến đường ven biển; và các khu công nghiệp năng lượng, năng lượng sạch; công nghiệp cơ khí, điện tử; công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản… có thể được phát triển gắn kết với công nghệ cao, nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Một góc vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên.
Về mặt liên kết vùng và liên vùng, việc hình thành dải đô thị ven biển từ Sông Cầu đến Tuy An, Tuy Hòa, Đông Hòa đã tiếp tục nối liền dải đô thị ven biển miền trung. Đây là kết nối quan trọng trong trục hành lang kinh tế biển của quốc gia, góp phần phát huy vai trò, vị thế không thể thay thế của tỉnh Phú Yên về mặt kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng của quốc gia.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ, để đạt những mục tiêu nêu trên, tỉnh Phú Yên đã đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, đó là huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông với tuyến đường ven biển, các trục giao thông chính gắn kết với các trung tâm, các đầu mối giao thương lớn của vùng và cả nước; các nút giao thông kết nối với cao tốc bắc-nam, tuyến kết nối cảng biển; tuyến quốc lộ kết nối trực tiếp với tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai) tạo liên kết phát triển vùng.
Tiếp đến là xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên với hạt nhân là phát triển cảng nước sâu Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm phát huy lợi thế nằm gần đường hàng hải quốc tế để thu hút đầu tư phát triển các dự án luyện kim, lọc, hóa dầu; năng lượng sạch...; chuỗi đô thị ven biển với trung tâm là thành phố Tuy Hòa mở rộng - cực tăng trưởng của tỉnh; một số cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế và y tế chất lượng cao; hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số.
Theo phương án phân vùng kinh tế, vùng biển và ven biển (bao gồm thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa) tập trung xây dựng trở thành khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng, là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh với thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa trở thành cực tăng trưởng chủ lực; xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp (công nghiệp luyện kim; lọc, hóa dầu; năng lượng,...), cảng biển lớn của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng thương hiệu khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài; thu hút đầu tư khu vực Vũng Rô, đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, cụm du lịch gành Đá Đĩa-hòn Yến-bãi Xép trở thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia và từng bước nâng cấp mang tầm quốc tế. Hoàn thành tuyến đường ven biển và các tuyến đường nối từ Quốc lộ 1A đến các điểm du lịch, đô thị ven biển.