Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình

Thứ ba, 28/05/2024 15:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sáng 28.5, tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Trung ương đã về dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Nguyễn Hải

Phát biểu khai mạc hội nghị và báo cáo nội dung quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, quy hoạch tỉnh Ninh Bình là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Ninh Bình hoạch định chính sách, triển khai các nhiệm vụ, tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh; nhằm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình báo cáo nội dung quy hoạch. Ảnh: Nguyễn Hải

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218 ngày 4.3.2024, bao gồm 4 Điều với 13 Nội dung, cùng với hệ thống sơ đồ, bản đồ; trong đó, có một số nội dung quan trọng, đó là:

Về quan điểm phát triển, tỉnh Ninh Bình kiên định theo hướng “Xanh, Bền vững và Hài hòa”; lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực cho phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ; phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; coi trọng phát triển văn hóa; tăng cường liên kết vùng và mở rộng hợp tác quốc tế.

Về mục tiêu, chỉ tiêu và tầm nhìn, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Quy hoạch xác định “ba nền tảng”, “bốn trụ cột” phát triển kinh tế và “7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá".

Về không gian phát triển, tỉnh Ninh Bình xác định 3 vùng chức năng, với vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển, là thành phố Hoa Lư (sau khi hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư) và thành phố Tam Điệp; 3 hành lang phát triển gắn với các công trình hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm, trọng tâm của quốc gia và của tỉnh cùng với hành lang ven biển phát triển theo trục kết nối vùng duyên hải Việt Nam.

Về quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, tỉnh Ninh Bình thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư trở thành đơn vị hành chính mới là đô thị loại I (dự kiến lấy tên là “Thành phố Hoa Lư”).

Phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, nâng cao tỉ lệ đô thị hoá với định hướng 7 đô thị trung tâm, gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II và 5 đô thị loại IV. Đối với khu vực nông thôn, sẽ phát triển hài hòa với xây dựng đô thị di sản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định công bố quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Hải

Về phương án phát triển các khu chức năng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tỉnh Ninh Bình xác định trọng tâm là phát triển 11 khu công nghiệp; 2 khu du lịch quốc gia; 4 khu bảo tồn thiên nhiên; 2 tuyến đường cao tốc; 8 tuyến đường quốc lộ và đường bộ ven biển; 28 tuyến đường tỉnh; 2 tuyến đường sắt Bắc - Nam, 3 tuyến đường sắt chuyên dụng; 15 tuyến đường thủy nội địa; 1 cảng tổng hợp và dự trữ quỹ đất phát triển 2 sân bay chuyên dùng; hạ tầng thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát triển nguồn điện theo quy hoạch điện VIII và thu hút đầu tư phát triển điện khí linh hoạt. Phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số.

Củng cố, phát triển quy mô các cơ sở y tế tuyến tỉnh chuyên sâu, hiện đại, y tế dự phòng; mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo; thiết chế văn hóa, thể thao và hạ tầng thương mại.

Về bảo vệ môi trường, thực hiện phân bổ 3 vùng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp; bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên khoáng sản; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước; kiểm soát hiệu quả các nguồn thải; quy hoạch phân vùng rủi ro thiên tai.

Nguồn: Laodong.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)