Để thực hiện các mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Đến nay, về cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 tới. Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua với những cơ chế đặc thù, vượt trội, những cách làm mới, kỳ vọng sẽ tạo được bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Hà Nội cần cơ chế đặc thù để giải quyết những vấn đề tồn tại của đô thị. Trong ảnh: Một góc thành phố Hà Nội.
Đến nay, các dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) đều đã được thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định. Luật Thủ đô (sửa đổi) mang trọng trách hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để áp dụng riêng cho Thủ đô, trong đó công tác quy hoạch được đặc biệt chú trọng.
Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về “tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng”, tạo sự linh hoạt cho thành phố Hà Nội, trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật Thủ đô năm 2012, Điều 20, 21, 22 và 23 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hội đồng nhân dân thành phố. Theo đó, Hội đồng nhân dân thành phố được chủ động ban hành một số biện pháp về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Điều 20 cho phép Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh việc lạm dụng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định các trường hợp hoặc tiêu chí để điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để phục vụ lợi ích cộng đồng.
Về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, để hạn chế tình trạng quá tải đối với hạ tầng kỹ thuật và xã hội do tập trung quá đông dân cư ở nội thành, đồng thời làm căn cứ cho các tính toán trong quá trình lập quy hoạch, khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật tiếp tục quy định di dời một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở ra khỏi khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật quy định phân định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc quyết định di dời tương ứng với đối tượng di dời, thay vì giao Thủ tướng Chính phủ quyết định như theo khoản 1 Điều 9 Luật Thủ đô năm 2012.
Nhìn nhận về quá trình thực hiện quy hoạch Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đặt vấn đề: “Thành phố quy hoạch 5 đô thị vệ tinh mà 10 năm nay chưa làm được gì. Hòa Lạc là một đô thị vệ tinh rất quan trọng, có Đại học Quốc gia, có Khu Công nghệ cao, có đất để làm nhưng chưa làm được nhiều, kết nối giao thông chưa hoàn thiện. Các đô thị vệ tinh khác cũng giậm chân tại chỗ. Bởi vậy, để thực hiện được các mục tiêu lớn của quy hoạch, Hà Nội cần có Luật Thủ đô để quán xuyến”.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Minh Tâm cho rằng, trong bố cục nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nội dung quan trọng nhất quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho các hoạt động về quy hoạch, quản lý và phát triển Thủ đô với tỷ lệ 41% toàn bộ nội dung của dự thảo Luật. Để thật sự tạo dựng được các cơ sở pháp lý mang tính đặc thù nhằm phát triển toàn diện Hà Nội, nên điều chỉnh bố cục nội dung của dự thảo với hàm lượng Chương III chiếm tỷ lệ từ 60-65% toàn bộ nội dung.
Tăng trách nhiệm, tạo cơ chế thu hút đầu tư
Nhằm tạo cơ chế để thu hút, huy động các tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia vào quá trình lập quy hoạch phân khu, dự thảo Luật đã quy định về việc nhà đầu tư chiến lược được đề xuất quy hoạch phân khu, đồng thời, quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, thẩm định quy hoạch phân khu do nhà đầu tư chiến lược đề xuất; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục đề xuất xây dựng quy hoạch phân khu đô thị của nhà đầu tư chiến lược.
Đồng thời với việc phân quyền cho Thủ đô, dự thảo cũng bổ sung quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực thi các quy định. Theo khoản 5 Điều 21: “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm trong việc thẩm định, giám sát thực hiện quy hoạch để bảo đảm việc quản lý, kiểm soát dân cư với quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô”.
Về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, với mục tiêu phát triển đô thị, công tác này cần gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống. Dự thảo Luật đã quy định về thử nghiệm có kiểm soát khu thúc đẩy thương mại và văn hóa; hoán đổi vị trí, chức năng của ô đất tại quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái cấu trúc, tái khai thác các nguồn lực có giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử; đồng thời, cho phép đấu thầu cho thuê biệt thự cũ thuộc sở hữu Nhà nước để kinh doanh du lịch, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực; đấu giá biệt thự cũ gắn với cam kết về giữ gìn, tôn tạo công trình và giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định cụ thể.
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực, Hà Nội sẽ có chín chính sách mới, đặc thù, tạo nguồn lực để triển khai thực hiện các mục tiêu, khát vọng lớn của Hà Nội, hiện thực hóa những định hướng quan trọng của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô. Với các đồ án quy hoạch trước, nhiều định hướng đã không thể thực hiện được bởi vướng và khó vì chính sách áp dụng chung không giải quyết được những vấn đề của đô thị có nhiều yếu tố, tính chất đặc biệt như Thủ đô Hà Nội.