Từ năm 2021 đến nay, Bắc Ninh có 25 dự án đã hoàn thành và cấp phép xây dựng, khi hoàn thành đáp ứng khoảng gần 20 nghìn căn hộ.
Dự án nhà ở xã hội khu vực phố Mới, thị xã Quế Võ đã bàn giao cho người dân khoảng 70% số căn hộ. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN
Tỉnh Bắc Ninh được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thúc đẩy khởi công dự án nhà ở xã hội. Địa phương này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đề nghị lấy làm hình mẫu để phát triển, nhân rộng nhà ở xã hội trên cả nước.
Niềm vui "an cư"
Với anh Nguyễn Đăng Mạnh, 30 tuổi ở phường Phố Mới, thị xã Quế Võ việc sở hữu căn hộ gần 70m2 tại dự án nhà ở xã hội Kinh Bắc Quế Võ là niềm hạnh phúc lớn khi hoàn thành sớm mục tiêu an cư của 2 vợ chồng.
Anh Mạnh chia sẻ: "Có thể sau này tôi sẽ mua thêm nhiều căn nhà nữa, nhưng cảm giác với căn nhà đầu tiên này thật khó quên. Lần đầu tiên cầm chùm chìa khóa căn nhà do mình đứng tên, cảm xúc rất khó tả, tôi đi loanh quanh từng góc nhà phơi phới niềm hạnh phúc bởi mục tiêu an cư của vợ chồng tôi đã được thực hiện sớm ngoài mong đợi".
Anh Mạnh cho hay, niềm hạnh phúc đó ngoài sự nỗ lực của 2 vợ chồng anh và gia đình còn cớ sự trợ giúp rất lớn từ các cấp chính quyền, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội.
"Nếu không được hướng dẫn cụ thể từ chính quyền địa phương tôi khó có thể thực hiện được các thủ tục một cách nhanh chóng để được mua nhà. Ngoài ra, nguồn vốn tư Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi đã giúp tôi giải tỏa được nỗi lo tài chính khi cả hai vợ chồng gom góp và vay mượn từ gia đình 2 bên chỉ được gần 1 nửa giá trị căn nhà. Tôi rất biết ơn chính quyền các cấp, chủ đầu tư dự án và ngân hàng", anh Mạnh xúc động nói.
Một thanh niên trẻ ở Bắc Ninh đã sớm hoàn thành mục tiêu an cư nhờ dự án nhà ở xã hội. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN
Anh Mạnh cũng chia sẻ, với lãi suất 4,8%/năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, khoản vay hơn 400 triệu được trả góp trong vòng 20 năm như một sự trợ giúp lớn với những cặp vợ chồng trẻ. Theo tính toán của anh Mạnh, mỗi năm vợ chồng anh phải trả khoảng 3-4 triệu đồng cho ngân hàng, con số này rất hợp lý, không quá nặng cho các gia đình thu nhập thấp.
Tại Bắc Ninh, hàng nghìn gia đình trẻ như gia đình anh Mạnh đã có cuộc sống an cư. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai được 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, với tổng diện tích đất khoảng 173 ha. Khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 7,1 triệu m2 sàn với hơn 77.000 căn hộ cho khoảng 231.000 người. Từ năm 2021 đến nay, Bắc Ninh có 25 dự án đã hoàn thành và cấp phép xây dựng, khi hoàn thành đáp ứng khoảng gần 20 nghìn căn hộ.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252ha so với năm 2020. Trong giai đoạn 2021 - 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn; trong đó, 72 dự án hoàn thành; 129 dự án đã khởi công xây dựng; 298 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, Bắc Giang 5 dự án, Hải Phòng 7 dự án, Đồng Nai 8 dự án...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, ngay sau khi đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” được phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp như: Tổ chức xây dựng, điều chỉnh Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở trong đó có nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 (Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 20/5/2023); tổ chức rà soát quy hoạch để bổ sung, xác định quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; lập danh mục thu hút đầu tư; giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng cơ chế chính sách riêng của tỉnh nhằm thu hút đầu tư xây dựng, đặc biệt là nhà ở công nhân và người lao động trong các khu công nghiệp. Qua rà soát, quy hoạch đã xác định khoảng 172ha đất dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu kế hoạch phát triển được giao theo đề án 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 giai đoạn 2021-2025.
Gỡ vướng cho các dự án
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Kinh Bắc cho biết: dự án nhà ở xã hội khu vực phố Mới, huyện Quế Võ đã triển khai xong, khoảng 70% số căn hộ đã được bàn giao cho người dân. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Kinh Bắc gặp khó ở dự án tiếp theo do dự án có công tác chuẩn bị đầu tư rơi vào đúng giai đoạn dịch COVID-19, nay hết dịch doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép rất lớn từ Luật Đầu tư "chỉ được gia hạn một lần không quá 24 tháng".
Bà Hương phân tích: "Gia hạn đầu tư xong còn phải chờ thẩm duyệt các bước thẩm tra bản vẽ thiết kế cơ sở, phòng cháy, chữa cháy và xin phép xây dựng mất rất nhiều thời gian, còn lại rất ít thời gian để thi công. Đây là khó khăn lớn nhất của chủ đầu tư để thự hiện các dự án tiếp theo. Do đó, cần có cơ chế đặc thù cho các dự án nhà ở xã hội"
Hàng nghìn gia đình trẻ ở Bắc Ninh đã có cuộc sống an cư nhờ các dự án nhà ở xã hội. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thời gian qua có một số khó khăn vướng mắc liên quan việc mua bán, thủ tục xác nhận đối tượng, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Các nội dung đó đã cơ bản được các hội nghị bàn bạc, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn và được sửa đổi bổ sung trong Luật nhà ở 2023.
Vì vậy, trong thời gian tới sau khi Luật Nhà ở mới có hiệu lực, Sở Xây dựng Bắc Ninh sẽ phối hợp với các sở ngành, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật. Đồng thời, khẩn trương tháo vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác và quản lý vận hành các công trình nhà ở xã hội đặc biệt là nhà ở dành cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội tại Bắc Ninh thời gian qua cũng đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đang cho vay tối đa 80% giá trị hợp đồng đối với mua nhà ở xã hội và 70% giá trị dự toán đối với xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở, thời gian cho vay tối đa 25 năm; lãi suất 4,8%/năm tức chỉ 0,4%/tháng nên khách hàng vay vốn không chịu quá nhiều áp lực trả nợ. Tuy nhiên, người vay cần có đủ hồ sơ chứng minh nguồn thu nhập và có khả năng trả nợ theo cam kết; có thiết kế, dự toán, hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã giải ngân cho vay chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ đạt 2,8 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên gần 521,9 tỷ đồng, tăng gần 700 triệu đồng so cuối năm 2023 với 1.299 khách hàng đang dư nợ. Bình quân mỗi khách hàng được vay hơn 400 triệu đồng.