Thái Nguyên: Hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững

Thứ năm, 28/03/2024 14:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Phát triển đô thị bền vững luôn là mục tiêu hướng tới của tất cả các địa phương trong cả nước, nhằm chuyển dịch cơ cấu, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với tỉnh Thái Nguyên, phát triển đô thị bền vững đã và đang được quan tâm thực hiện từ công tác quy hoạch đến triển khai thực hiện…

Hiện nay, TP. Thái Nguyên đang quy hoạch, mở rộng không gian phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Cầu. Ảnh: Nguyên Ngọc

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 14 đô thị, trong đó có 3 đô thị trực thuộc tỉnh (gồm 1 đô thị loại I và 2 đô thị loại II), 2 đô thị loại IV và 9 đô thị loại V (trực thuộc huyện), với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 41%.

Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 50%. Đây là mục tiêu rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị bền vững đã được Thái Nguyên quan tâm thực hiện. Thời gian qua, để có nhiều ý tưởng hay, tạo đột phá về quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong đó có việc tham vấn ý kiến, tổ chức các cuộc thi ý tưởng về kiến trúc đô thị, các buổi hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài và kiến trúc sư có nhiều kinh nghiệm ở trong và ngoài nước. Qua đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thu được rất nhiều ý kiến, ý tưởng hay về quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị bền vững.

Kiến trúc sư Phan Văn Tráng, hội viên Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên, chia sẻ: Phát triển đô thị bền vững cần rất nhiều yếu tố, như: Môi trường, văn hóa, hạ tầng giao thông, các dịch vụ tiện ích. Tại Thái Nguyên, việc phát triển nhanh các dự án khu đô thị, khu dân cư quy mô nhỏ đã tạo giao dịch bất động sản sôi động, tăng thu ngân sách từ thu tiền sử dụng đất và mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, điều này cũng bộc lộ một số vấn đề bất cập, như: Nhiều dự án có quy mô nhỏ không đồng bộ và chưa quan tâm đến hạ tầng xã hội gồm: Trường học, tỷ lệ cây xanh, khu vui chơi và hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, để phát triển đô thị bền vững cần áp dụng quy mô tối thiểu khi tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu dân cư, khu đô thị. Đặc biệt là thực hiện nghiêm thiết kế, quy hoạch chi tiết, hạn chế việc điều chỉnh cục bộ dự án, bảo đảm cơ cấu quỹ đất dành cho các công trình công cộng…

Kiến trúc sư Mochizuky (Nhật Bản) trao đổi tại Hội thảo quy hoạch phát triển đô thị bền vững do Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Theo đánh giá của các kiến trúc sư, quy hoạch xây dựng các đô thị tại Thái Nguyên đã có sự đầu tư xây dựng hạ tầng để hướng đến các tiêu chí về phát triển đô thị bền vững. Cụ thể, về quy hoạch hạ tầng giao thông đã có hướng mở, không còn việc phát triển dựa trên nền tảng của mạng giao thông trước đây.

Các dự án giao thông mới được triển khai đã tăng tính kết nối như: Xây dựng cầu vượt và đường hầm qua đường sắt; nhiều ngã tư được lắp camera giám sát, kịp thời bố trí lực lượng chức năng để giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông ở các khung giờ cao điểm. Ngoài ra, việc phát triển đô thị hiện tại không mang tính “bó hẹp” như trước đây mà đã mở rộng, tạo không gian xanh, rộng, thoáng và hiện đại.

Một trong những yếu tố được các kiến trúc sư, chuyên gia về xây dựng đô thị đánh giá cao đối với Thái Nguyên là tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Trong đó, 1 nhà máy đã đi vào hoạt động và 1 nhà máy đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, các địa phương như thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) cũng đang triển khai xây dựng khu xử lý nước thải sinh hoạt. Qua đó, một số dòng suối ô nhiễm cũng dần được khắc phục.

Còn với TP. Phổ Yên (đô thị loại II trực thuộc tỉnh), hiện nay có hàng chục khu đô thị, khu dân cư được xây dựng, như: Khu đô thị Việt Hàn, Khu đô thị Yên Bình Xanh, Khu đô thị xanh Tấn Đức Central Park… đều có hạ tầng hiện đại, tỷ lệ đất cây xanh, hồ điều hòa và đất sử dụng cho dịch vụ xã hội khá cao.

Thời gian qua, TP. Phổ Yên chú trọng thu hút đầu tư phát triển các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn. Trong ảnh: Một góc Khu đô thị Yên Bình. Ảnh: Trịnh Phương

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP. Phổ Yên, các quy hoạch mới về đô thị của thành phố có tỷ lệ cây xanh, công viên cây xanh, khu vực vui chơi và dịch vụ xã hội đều đạt về tỷ lệ sử dụng đất theo quy định. Như vậy vừa bảo đảm được sự phát triển hiện đại, vừa mang tính bền vững, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng, chia sẻ: Công tác lập quy hoạch, quy hoạch đô thị tại Thái Nguyên trong giai đoạn này đã có nhiều tiến bộ vượt trội so với giai đoạn trước. Đặc biệt, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh hướng đến quy hoạch đô thị bền vững, với mục tiêu chính là đem lại cuộc sống văn minh, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sống về kinh tế và tinh thần.

Thực hiện mục tiêu phát triển đô thị bền vững, cơ quan chức năng của Thái Nguyên đã bám sát Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030”.

Hiện tại, trong quy hoạch xây dựng, Thái Nguyên thực hiện quy hoạch tĩnh, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các đô thị từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được lập và luôn được điều chỉnh, phục vụ công tác lập quy hoạch chung. Quy hoạch chi tiết luôn bám sát các chương trình phát triển, các dự án làm tiền đề cho việc hình thành và phát triển đô thị, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo môi trường sống, sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo dựng hình ảnh đô thị Thái Nguyên.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)