Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá sau 20 năm tái thành lập tỉnh (2004-2024), tỉnh Đắk Nông đã có sự phát triển bứt phá rất mạnh mẽ - Ảnh: VGP/Hải Minh
Chiều 23/3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; là trung tâm công nghiệp bauxite - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng.
Tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 9,05%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 130 triệu đồng.
Quy hoạch xác định 3 lĩnh vực đột phá của Đắk Nông gồm: Phát triển công nghiệp bauxite-alumin-nhôm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên cơ sở phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Đối với công nghiệp bauxite-alumin-nhôm, là địa phương có trữ lượng bauxite lớn nhất cả nước, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành, đưa vào vận hành Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; mở rộng, nâng công suất Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ từ 1,2 triệu tấn lên 2 triệu tấn alumin/năm.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ kêu gọi đầu tư các dự án: Nhà máy Alumin Đắk Nông 2, Nhà máy Alumin Đắk Nông 3, Nhà máy Alumin Đắk Nông 4, Nhà máy Alumin Đắk Nông 5 gắn với các khu vực, cụm mỏ khai thác theo quy hoạch.
Về nông, lâm nghiệp, tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng phát triển các cây công nghiệp chủ lực như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu theo hướng tái canh, bền vững và áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật công nghệ hiện đại; chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để phát triển các cây tiềm năng như mắc ca, dược liệu, các loại cây ăn quả, rau, hoa có giá trị kinh tế cao.
Đến năm 2050, tỉnh Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; trở thành trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã trao chứng nhận đầu tư cho 4 dự án và trao bản ghi nhớ đầu tư 4 dự án cho các nhà đầu tư.
Bứt phát mạnh mẽ sau 20 năm tái lập tỉnh
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá sau 20 năm tái thành lập tỉnh (2004-2024), tỉnh Đắk Nông đã có sự phát triển bứt phá rất mạnh mẽ, nổi bật là trong nhiều năm tỉnh Đắk Nông duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 vùng Tây Nguyên; quy mô nền kinh tế tăng 12 lần, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 26 lần, dịch vụ tăng 22 lần…
Sự bứt phá còn được thể hiện trong nhiều chỉ số thống kê so với các địa phương khác như chỉ số năng lực cạnh tranh chấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số chuyển đổi số, chỉ số giảm nghèo…
Ai có cái khó gì Đắk Nông có cái khó đó
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm tháo gỡ những khó khăn, thách thức mà như ông cảm nhận là đa dạng đến mức "ai có cái khó gì thì Đắk Nông có cái khó đó".
Phó Thủ tướng lý giải, Đắk Nông là địa phương có quá nhiều tính chất đặc thù, đặc biệt nên khuôn khổ pháp lý chung mang tính phổ quát của cả nước chưa thể tạo điều kiện cho tỉnh phát triển, đặc biệt là quy hoạch khai thác khoáng sản của Việt Nam, trong đó có quy hoạch khai thác bauxite.
Mặt khác, trong tổng diện tích đất tự nhiên của địa phương (khoảng 65.000 ha) thì có đến 2/3 là rừng và đất khoáng sản, còn 1/3 diện tích tự nhiên để phát triển thì lại nằm ở phía bắc của tỉnh, giáp với Đắk Lắk trong khi cực tăng trưởng nằm ở phía nam-đó là Đông Nam Bộ.
Mặc dù tốc độ giảm nghèo thuộc nhóm cao nhất cả nước trong năm 2023, tỉnh vẫn còn nhiều người nghèo, hầu hết là người dân tộc vốn còn hạn chế về trình độ phát triển, sinh kế chưa bền vững, phong tục tập quán còn lạc hậu. Vì thế nhiệm vụ giảm nghèo sắp tới sẽ rất khó khăn, nhất là trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế.
Phó Thủ tướng cho rằng trình độ cán bộ tại Đắk Nông cũng chưa đồng đều, đặc biệt là cán bộ người dân tộc và cán bộ làm công tác dân tộc; nhấn mạnh có khai thác được tiềm năng, cơ hội phát triển hay không "tuỳ thuộc rất lớn vào năng lực và thái độ của cán bộ".
Tỉnh Đắk Nông nằm trong nhóm các địa phương có mức thu ngân sách thấp nhất cả nước, khoảng 3.200 tỷ năm 2023; 3 tháng đầu năm thu ngân sách thấp nhất trong 5 năm vừa qua. Phó Thủ tướng cho rằng tỉnh phải nỗ lực cải thiện ngay.
Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng đang chịu sự áp lực cạnh tranh từ các địa phương khác trong vùng, nơi cũng có điều kiện tự nhiên, sản phẩm tương tự như mắc ca, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm du lịch. Phó Thủ tướng cho rằng muốn phát triển du lịch, phải có sản phẩm độc đáo và riêng có.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông trao chứng nhận đầu tư và trao bản ghi nhớ đầu tư 4 dự án cho các nhà đầu tư - Ảnh: VGP/Hải Minh
Mảnh đất giàu tiềm năng và 3 nút thắt
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đắk Nông có nhiều tiềm năng để phát triển bứt phá nếu giải quyết được những nút thắt về: Kết nối giao thông với vùng Đông Nam Bộ, chỉ tiêu đất ngoài ngoài lâm nghiệp, quy hoạch khoáng sản, Phó Thủ tướng nhận định.
Về kết nối với Đông Nam Bộ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đắk Nông có lợi thế riêng có vì giữ vai trò là cầu nối giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ vốn đang phát triển mạnh mẽ và sẽ lan toả sang Bình Dương, Bình Phước rồi sẽ đến Đắk Nông, nên tỉnh phải chủ động chuẩn bị thật chu đáo để đón đầu xu thế này.
Qua tham quan triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng nhận thấy những tín hiệu rất tích cực của "kinh tế nông nghiệp" tại địa phương, đó là nông nghiệp khai thác thế mạnh của sản phẩm nông nghiệp riêng có, kết hợp du lịch với nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng nếu tháo gỡ được những vướng mắc về pháp lý đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tỉnh Đắk Nông sẽ trở thành địa phương mạnh về năng lượng tái tạo, góp phần cùng cả nước hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá lãnh đạo tỉnh Đắk Nông qua các thời kỳ đã luôn khát khao, tâm huyết và hành động quyết liệt vì sự phát triển của tỉnh; nhấn mạnh đây là "giá trị tinh thần lớn lao" cho sự bứt phá của địa phương trong tương lai.
Lãnh đạo phải làm gương, phải tử tế
Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình, Phó Thủ tướng đề nghị trước hết cán bộ các cấp chính quyền địa phương phải thực sự đoàn kết, gắn bó và biết chia sẻ; đặc biệt, người đứng đầu phải làm gương, dám chịu trách nhiệm, phải là người tử tế, trước hết là tử tế với đồng chí anh em, tử tế với người dân, quan trọng nhất là phải tử tế với pháp luật để tránh mất cán bộ.
Với 35% dân số là người của 40 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền của tỉnh phải quan tâm hơn nữa đến đồng bào dân tộc về sinh kế, về cán bộ người dân tộc, cán bộ làm công tác dân tộc.
Phát triển kinh tế phải gắn với giữ được tài nguyên, đa dạng sinh học, đặc biệt là giữ được rừng, để Đắk Nông vẫn là lá phổi cho khu vực Tây Nguyên và cho cả nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết trong thời gian sắp tới sẽ thống kê, đo đạc lại rừng ở Tây Nguyên nhằm nắm rõ thực trạng rừng tại nơi đây, làm cơ sở cho việc ban hành chính sách chính xác.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Đắk Nông chủ động trao đổi kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay của các địa phương khác; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số (tỉnh đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố năm 2023) để tăng cường sự minh bạch và chính sự minh bạch sẽ giúp tỉnh lấy được lòng tin của các nhà đầu tư.
Tỉnh Đắk Nông cũng phải có chọn lọc trong đầu tư vì nguồn lực có hạn không thể cùng lúc làm được nhiều việc và chọn lọc trong thu hút đầu tư, đơn cử như việc đầu tư sản xuất nhôm sẽ mang lại giá trị gấp 3 lần so với khai thác bauxite, từ đó Đắk Nông mới có thể giàu lên từ bauxite.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn địa phương tăng cường trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trước mắt là trong xử lý quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch khooáng sản.
8 từ khóa để thực hiện Quy hoạch
Để thực hiện tốt Quy hoạch của tỉnh, Phó Thủ tướng cho rằng tỉnh cần nắm chắc 8 từ khóa: "Tuân thủ", "linh hoạt", "đồng bộ", "thấu hiểu".
Theo Phó Thủ tướng, tuân thủ là để bảo đảm không đi lạc đường và đạt được mục tiêu đề ra.
Đồng thời cũng phải "linh hoạt" trong cách làm, thậm chí có thể đối với những mục tiêu không có giá trị cốt lõi, có thể thay đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh bởi lẽ nói chuyện 6 năm tới, tầm nhìn 26 năm tới chắc chắn là điều không dễ, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Quy hoạch phải được triển khai "đồng bộ" với quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch vùng, ngành và một loạt quy hoạch cấp dưới vì nếu không đồng bộ với nhau thì không đủ điều kiện pháp lý để làm bất cứ việc gì.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý những người có trách nhiệm phải "thấu hiểu" Quy hoạch để triển khai; doanh nghiệp và người dân phải "thấu hiểu" để ủng hộ, đồng hành cùng với chính quyền, cùng với chính quyền phát hiện vướng mắc trong quy hoạch này để kịp thời chỉnh sửa./.