Hà Nội cần sớm lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, dự án đầu tư xây dựng, thiết kế đầu tư xây dựng công trình theo từng lô đất, khu đất. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh việc tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp cũ, Hà Nội cần sớm lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, dự án đầu tư xây dựng, thiết kế - đầu tư xây dựng công trình theo từng lô đất, khu đất.
UBND TP. Hà Nội đã có quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Hiện Hà Nội đang trong tiến trình điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và lập Quy hoạch Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội tốt để chính quyền thành phố đưa ra định hướng sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở này cho không gian công cộng, xây dựng phát triển không gian sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Trong danh mục 9 cơ sở mà TP. Hà Nội có kế hoạch di dời trong 5 năm tới, quận Hoàn Kiếm có 2 cơ sở, gồm: Công ty In Báo Nhân Dân tại 15 Hàng Tre, diện tích hơn 1.500m2; Công ty TNHH MTV In báo Hà Nội mới ở 35 Nhà Chung, diện tích hơn 1.800m2.
Tại quận Ba Đình có 1 cơ sở là Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám.
Tại quận Thanh Xuân, phường Thượng Đình có nhiều nhà máy lớn như Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội thuộc diện di dời. Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân với hơn 64.000m2 và Công ty TNHH MTV In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam, địa chỉ tại số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, diện tích 5.000m2.
UBND thành phố Hà Nội cho biết sau khi di dời, các khu đô thị sẽ được xây dựng với quy mô dân số dự kiến 46.000 người, từ đó đạt 306,7% so với tiêu chuẩn.
Tại phường Thanh Xuân Trung, có nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông và giày Thượng Đình thuộc diện di dời. Sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị, dự kiến quy mô dân số 48.000 người, đạt 320% so với tiêu chuẩn.
Hai cơ sở trên địa bàn quận Long Biên gồm: Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, địa chỉ 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 20ha và Tổng kho Xăng dầu Đức Giang, địa chỉ tại số 26 phố Đức Giang, diện tích hơn 159.000m2.
Tại quận Đống Đa và quận Bắc Từ Liêm cùng có một cơ sở, lần lượt là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800m2 và Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam tại phường Phúc Diễn, diện tích hơn 30.000m2.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, để đẩy nhanh việc tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp cũ, TP. Hà Nội cần sớm lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, đầu tư xây dựng công trình theo từng lô đất, khu đất.
Bên cạnh đó, cần tạo lập không gian công cộng, sáng tạo, phù hợp chức năng sử dụng đất theo quy hoạch. Đặc biệt, ưu tiên phát triển đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian công cộng phục vụ người dân. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc bảo tồn, gìn giữ, nâng cao những di sản công nghiệp có giá trị.
Thông tin thêm về kế hoạch di dời, ông Nguyễn Đức Hùng cho hay, đến thời điểm này, Hà Nội đã có đầy đủ khung pháp lý để di dời cơ sở công nghiệp trong nội thành đến khu vực mới phù hợp quy hoạch.
Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cũng đã định hướng rất rõ về không gian phù hợp với từng khu vực đô thị, quy định chức năng cho mỗi lô đất công nghiệp sau khi di dời.
Như 9 cơ sở nêu trên, trong quy hoạch phân khu đã xác định sau di dời đều có chức năng công cộng, cây xanh, trường học, đất hỗn hợp, bãi đỗ xe…
Cho ý kiến đánh giá về các cơ sở cần phải di dời, KTS. Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng đánh giá, 9 cơ sở thuộc diện phải di dời theo quyết định của UBND TP. Hà Nội đều nằm trong khu vực nội đô, có quy mô diện tích lớn từ một vài đến hàng chục ha, nên việc duy trì sản xuất công nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân, cản trở sự phát triển của Thủ đô. Do đó, việc di dời là cần thiết.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, do hiện trạng quy hoạch sử dụng đất nhiều trường hợp hiện khá phức tạp, một số đã được chuyển đổi một phần trong thời gian trước đây nên cần sớm xây dựng các phương thức chuyển đổi sử dụng đất những cơ sở trên một cách đồng bộ và thống nhất.
Công năng cho những khu đất này sau khi chuyển đổi nên là các không gian công cộng hữu ích, để bổ sung gia tăng thêm không gian công cộng, vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đang rất thiếu trong khu vực nội đô Hà Nội hiện nay.
Để đẩy nhanh việc tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp cũ, TS Phạm Hoàng Phương cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu đánh giá, xây dựng phương án di dời và tái phát triển chi tiết đối với từng trường hợp cơ sở xí nghiệp, nhà máy cụ thể, đồng thời làm rõ chất lượng kiến trúc và kết cấu các hạng mục công trình xây dựng cũ để có thể bảo tồn tái sử dụng hoặc bắt buộc phá dỡ.
Khi quy hoạch tái thiết các không gian này cần có chất lượng sử dụng cao với không gian cuốn hút, kèm theo nhiều hình thức trang trí (tượng, phù điêu, ánh sáng, cây xanh…) phù hợp đặc sắc, để trở thành điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan cho từng khu vực đô thị, điểm vui chơi, check in, nghỉ ngơi sôi động, thú vị cho người dân, đặc biệt là giới trẻ…
Việc di dời nhà máy ra khỏi nội đô để dành quỹ đất xây dựng khu đô thị là chính sách đúng đắn, được thành phố triển khai trong bối cảnh nhu cầu về chỗ ở tăng cao nhưng nguồn cung lại đang khan hiếm, việc này cũng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Để thực hiện việc di dời 9 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát danh mục nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch; đề xuất UBND thành phố xin ý kiến Hội đồng nhân dân thành phố xem xét có ý kiến để bổ sung danh mục bảo đảm tiến độ kế hoạch di dời được phê duyệt.